Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Ngày 7/4/2014, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Đây là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng để các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Chú thích ảnh
Nhờ việc hiến đất của 40 hộ dân nên con đường nối từ thi trấn Phước Hải qua xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được làm khang trang, sạch sẽ, thuận tiện cho người dân đi lại. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Sau khi Bộ Chính trị (Khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, các phong trào thi đua yêu nước trên cả nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu là 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động.

Thực hiện chủ đề thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, những năm qua, các phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước, với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức.

Bên cạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các bộ, ngành, địa phương đã phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt để giải quyết những khó khăn, cấp bách của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội và phát huy dân chủ ở cơ sở.

Chú thích ảnh
Những người tình nguyện đi xây cầu tham dự giao lưu tại chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2020. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong phát triển kinh tế, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã góp phần cùng đất nước ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Sản xuất công nghiệp được củng cố, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Thương mại trong nước giữ vững vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, đóng góp 12 - 13% GDP, thu hút khoảng 12,1% tổng lao động toàn xã hội. Cung cầu, giá cả hàng hóa được giữ ổn định, kể cả trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do COVID-19. Lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thành công ở nhiều nơi. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho cả thành thị và nông thôn, miền núi.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phong trào “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên, vận động viên thể thao đã đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc gia và Quốc tế. Trong lĩnh vực y tế, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dịch bệnh được kiểm soát, bước đầu sử dụng trang thiết bị y tế và ứng dụng nhiều thành tựu y học tiên tiến của thế giới trong điều trị bệnh và ghép tạng thành công. An sinh xã hội được bảo đảm, thực hiện hiệu quả các chương trình nhân văn, ý nghĩa như "Đền ơn, đáp nghĩa"; "Xóa đói, giảm nghèo", "Mái ấm tình thương", "Vì Trường Sa thân yêu... đã mang lại niềm tin yêu trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc... Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4% năm 2019.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp và đối ngoại, các phong trào thi đua góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong lực lượng Quân đội nhân dân, Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, "Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" trong lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan tư pháp, nội chính đẩy mạnh các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát; tuyên truyền, vận động nhân dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Trong lĩnh vực đối ngoại, đã hướng thi đua vào việc tập trung nghiên cứu, tham mưu thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vận động sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. Nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đưa cán cân thương mại nghiêng về phía xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu thay đổi theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,5%/năm; nhập khẩu được kiểm soát tốt, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 - 2020 đã về đích trước kế hoạch.

Giai đoạn này, Việt Nam đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Ngành Ngoại giao triển khai tốt ngoại giao trực tuyến với kết quả nổi bật. Chỉ từ tháng 2/2020 đến nay, đã có trên 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, Đảng viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cùng các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua có hiệu quả, góp phần khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp nhau trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt là phong trào thi đua phòng, chống dịch COVID-19 theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Thủ tướng Chính phủ, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động phong trào “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19”, đã huy động được sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 2.105 tỷ đồng. Các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực, góp phần phòng, chống dịch bệnh, xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Sau 2 đợt cao điểm của dịch bệnh (tháng 4 và tháng 8 năm 2020), đến nay nước ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội được hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, nền kinh tế vượt qua khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn cao nhất trong khu vực và thế giới, an sinh xã hội được thực hiện tốt, các hoạt động đối ngoại được duy trì có hiệu quả...

Chú thích ảnh
Sáng 13/8/2020, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V nhằm đánh giá, tổng kết công tác Thi đua - Khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; xác định phương hướng, mục tiêu, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua và tiến hành có hiệu quả công tác khen thưởng trong giai đoạn 2020-2025; tôn vinh, biểu dương những điển hình tiên tiến. Trong ảnh: Đại diện Bộ Quốc phòng trao Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho các cá nhân xuất sắc, có những đóng góp vì sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng chí Phạm Huy Giang, Ủy viên thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: “Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, để thi đua thực sự là động lực to lớn, góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua giai đoạn 2020 - 2025: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình, các ảnh hưởng tích cực trong xã hội, quan tâm khen thưởng nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân tiêu biểu trực tiếp trong lao động, sản xuất, công tác và học tập.

Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, để thi đua thật sự trở thành động lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Đàm Danh Liêm
Nhìn lại 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động
Nhìn lại 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động

Cùng với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” cũng đã được phát động sâu rộng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN