Tiếp tục cứu hộ tại cầu Ghềnh

Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp khẩn chiều 20/3 với các sở, ban, ngành và các đơn vị phối hợp, nhằm đưa ra phương án khắc phục vụ tai nạn sà lan đâm gãy đổ 2 nhịp cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai.

Công tác cứu hộ, khắc phụ sự cố vẫn đang được triển khai tại hiện trường. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị các lực lượng công an, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), giao thông vận tải và các đơn vị phối hợp thực hiện các phương án cứu hộ, đồng thời tiếp tục triển khai lực lượng tìm kiếm quanh khu vực xảy ra tai nạn, đề phòng còn có người kẹt trong sà lan bị chìm dưới lòng sông.

Ông cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh nắm lại thiệt hại vụ việc; đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả, xử lý tuyến đường sắt Bắc - Nam. Bí thư Tỉnh ủy thành lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để xử lý vụ việc, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là các ga trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an ninh đường thủy, đường bộ vì hiện tại nhiều canô, thuyền chạy xung quanh khu vực này. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong quá trình phối hợp trục vớt tàu và xà lan phải đảm bảo an toàn vì một lượng thép lớn rơi xuống sông.

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Đồng Nai, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 phút, khi tàu SG3745 đi hướng từ cầu Đồng Nai lên thượng nguồn lưu thông với tốc độ lớn đã đâm vào trụ giữa số 2 và số 3 của cầu Ghềnh khiến giữa 2 trụ này bị sập. 

Lúc xảy ra tai nạn có 2 tài công nhảy xuống và trốn khỏi hiện trường. Cùng thời điểm 3 người điều khiển 3 xe máy lưu thông trên cầu Ghềnh bị rơi xuống sông, sau đó đã được thuyền đánh cá cứu vớt an toàn. Sau khi xảy ra tai nạn, cảnh sát PCCC đã cho thợ lặn xuống quanh khu vực trên nhưng chưa phát hiện thêm xe máy cũng như người nào. Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai cũng đã nhờ sự phối hợp giúp đỡ của Sở cảnh sát PCCC Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ một đại đội cứu hộ cứu nạn xuống tìm kiếm. 

Tại cuộc họp, tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy. Tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh và chiều ngược lại.

Chiều cùng ngày, ngành đường sắt đã thực hiện phương án trung chuyển các chuyến tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Theo đó, khách đi từ ga Sài Gòn và ga Sóng Thần sẽ được trung chuyển bằng ô tô đến ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình ra Bắc. Chiều ngược lại, hành khách sẽ được trung chuyển từ ga Biên Hòa đến ga Sài Gòn. Theo ghi nhận của phóng viên chiều 20/3 chưa xảy ra tình trạng ùn ứ khách tại ga Biên Hòa. 

Hiện phương án trục vớt tàu gây tai nạn cũng như phương án bắc cầu tạm để thông tuyến đường sắt vẫn đang được bàn thảo. Tuy nhiên, theo nhận định, khả năng khắc phục để thông tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ còn mất nhiều thời gian. 

Cầu Ghềnh được xây dựng hơn 100 năm trước; là cây cầu huyết mạch của tàu hỏa Bắc – Nam. Cầu Ghềnh dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho tàu hỏa và xe ôtô. 


Sỹ Tuyên (TTXVN)
Bắt giữ 2 tài công sà lan đâm sập cầu Ghềnh
Bắt giữ 2 tài công sà lan đâm sập cầu Ghềnh

Sáng 21/3, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ hai đối tượng liên quan đến vụ sà lan chở vật liệu xây dựng đâm sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam tê liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN