Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn: Bộ trưởng bộ Công Thương, Bộ Tài chính đăng đàn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chiều 4/6 tại hội trường Quốc hội, từ 14 giờ – 14 giờ 20 phút, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất. Tiếp sau đó, Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời các vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.

16 giờ 57 phút, Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4/6.
16 giờ 48  phút, 6 đại biểu chất vấn và 2 đại biểu đặt câu hỏi tranh luận.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: Chính phủ ban hành quyết định số 68, phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu chương trình và giải pháp của Bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65 % nhu cầu sản xuất nội địa?

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) chất vấn: Hiện nay Việt Nam đã tham gia 16 FTA, tuy nhiên việc thực thi các chính sách để tối đa hóa lợi ích, mở rộng các thị trường mới vẫn đang còn bộc lộ nhiều bất cập. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đã có những chính sách cụ thể nào để tận dụng FTA với các đối tác ở những thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu? Bộ trưởng cũng làm rõ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội gì từ các thị trường quốc tế, trong khi các quốc gia này đều có những lợi thế so sánh tương đồng như Việt Nam?

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng: Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế có động lực quá cao, nếu không có những giải pháp, chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, cụ thể như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, từ góc độ thương mại, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào? Chiến lược phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới sẽ ra sao? Làm thế nào để tăng tính chống chịu của nền kinh tế và phát huy thị trường nội địa?

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết: Hiện nay, khi thực hiện Quyết định số 13 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái, các nhà đầu tư đã thực hiện đúng Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ.Tuy nhiên, trong hợp đồng bán điện đã ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thời gian 20 năm, giá cố định không có điều, mục khoản cắt giảm công suất nhưng EVN không thực hiện đúng hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, thường xuyên cắt giảm sản lượng khoảng 20%/năm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo gì đối với EVN để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật theo hợp đồng đã ký?

Còn Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) chất vấn: Qua nghiên cứu Báo cáo của Bộ Công Thương số 118 nhận thấy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang rất khả quan và xu hướng năm 2024-2025 cũng sẽ rất tốt, nhất là thị trường FTA rất rộng. Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp, đại biểu thấy còn rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là tỷ giá đồng USD với đồng euro đang có xu hướng hơi bất lợi. Thứ hai vấn đề là chi phí vận tải biển rất cao. Thứ ba, nhiều quốc gia có xuất khẩu nông sản như chúng ta có đồng tiền đang bị mất giá, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu rất khó khăn. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chế độ, chính sách về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng: Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên quyền lợi người tiêu dùng vẫn nhiều lúc chưa được đảm bảo, thậm chí có lúc bị xâm hại hay lợi dụng. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng cho biết hiệu quả của hoạt động của hệ thống tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng cũng như công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương với các địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để phát huy vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) tranh luận về giải pháp giảm giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, giải pháp về năng lượng sạch được xem là yếu tố đầu vào trong sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với kế hoạch thực hiện Điện VIII, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho 46 tỉnh, còn 17 tỉnh được Bộ Công thương yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ trước ngày 10/4 và sẽ phê duyệt vào ngày 30/4. Hiện nay đã đến tháng 6, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào sẽ phê duyệt kế hoạch cho 17 tỉnh này. Đối với các dự án năng lượng tái tạo, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có chỉ đạo giải quyết như nào để các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời có giá phát điện hợp lý. Đồng thời cho biết giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai tiếp các dự án chuyển tiếp, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) tranh luận về vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các biện pháp phòng, chống buôn lậu thuốc lá mới liệu có hiệu quả, bởi tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng lên rất nhiều, kể cả tình trạng buôn bán, sản xuất thuốc lá điện tử. Cần có giải pháp gì để lấp khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý thuốc lá điện tử hiện nay?

16 giờ 39, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. 

 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Theo Bộ trưởng, để chống hàng gian hàng giả cần giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có sự quyết tâm của các sàn kinh doanh. Các sàn đã thể hiện sự quyết tâm đó, như đăng công khai trên trang, sử dụng biện pháp kỹ thuật, rà soát nguồn gốc, tự tham gia...Bộ Công thương có biện pháp giám sát các sàn, và thông qua sự phát hiện của người tiêu dùng, xử phạt nghiêm sàn vi phạm.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên kinh doanh thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã có dự thảo bảo vệ người tiêu dùng dự kiến trình Chính phủ vào tháng 3, và phối hợp Bộ Công an tiến hành định danh.
Về thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ có các giải pháp: Kêu gọi doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm; rà soát để kiểm soát thuế; Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kho bãi...
Về các chính sách mà Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã ban hành và trình Chính phủ một số quy định. Đồng thời, Bộ cũng để ra một số giải pháp hiệu quả.

16 giờ 36 phút, các đại biểu tiếp tục chất vấn về thương mại điện tử. 
Đại biểu chất vấn tiếp tục về thương mại điện tử, khi có các trang công khai kinh doanh hàng giả, hàng nhái; nguy cơ với người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; các chính sách với thương mại điện tử.

16 giờ 30 phút, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. 
Về vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, theo Bộ trưởng, việc quy trách nhiệm người đứng đầu cũng là cần, nhưng nếu dồn trách  nhiệm cho 1 người thì còn phải cân nhắc, vì phụ thuộc vào sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và tham mưu để làm rõ hơn. 
Về vấn đề nguyên liệu cho dệt may. Hiện nay Dệt may của chúng ta lệ thuộc nguyên liệu nước ngoài. Ngành Dệt may đóng góp lớn cho tăng trưởng và việc làm, nhưng thực tế hiện nay chúng ta không còn là thiên đường cho các  ngành sử dụng lao động, nên các doanh nghiệp lớn chuyển dịch ra khu vực khác là dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề chủ động nguyên liệu là rất quan trọng. Ngành Công Thương kiến nghị các giải pháp để từng bước chủ động nguyên liệu và nâng giá trị sản phẩm chứ không chỉ là gia công.
Về Bộ chỉ số FDI, hiện đang trong quy trình lấy ý kiến. Bộ chỉ số này không giống bộ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. 

16 giờ 27, các đại biểu chất vấn và tranh luận.  
16 giờ 17 phút, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời chất vấn. 
16 giờ 14 phút, các đại biểu chất vấn
về điều chỉnh lộ trình chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; quan điểm và giải pháp của Bộ để bảo vệ doanh nghiệp trước các biện pháp phòng vệ thương  mại. Các đại biểu tranh luận tiếp về giải pháp kỹ thuật thương mại điện tử chưa áp dụng trong quản lý thương mại điện tử.

16 giờ 09 phút, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đăng đàn, làm rõ thêm một số nội dung chất vấn của đại biểu. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong công tác phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Theo đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý.

Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 của ngân hàng.

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử.

Ở trên môi trường điện tử, Bộ Tài chính tập trung thu thuế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế hỗ trợ thực hiện thu thuế trên trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Về vấn đề xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện hải quan thông minh, hải quan điện tử, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kết nối trao đổi thông tin với 19 ngân hàng thương mại, nộp thuế qua điện tử và tham gia vào thực hiện phòng, chống buôn lậu cũng như thông quan một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

15 giờ 50 phút, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lần lượt trả lời các vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm. Về vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng cho biết vẫn còn khoảng trống pháp lý về vấn đề này. Đến giờ này, Bộ Công Thương chưa hề cấp phép cho sản phẩm này, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý quyết liệt. Bộ Công Thương có một số giải pháp: Cùng với Bộ Y tế và các Bộ hữu quan để lấp đầy khoảng trống pháp lý; Cùng các lực  lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý;  Các lực lượng chức năng cần ngăn chặn từ biên giới. Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin Truyền thông để tuyên truyền, cùng các lực lượng như Đoàn Thanh niên, gia đình, tăng cường giáo dục ý thức cho trẻ em. Giải pháp cuối cùng là phối hợp với chính quyền cơ sở để rà soát.
Về vấn đề cán bộ nhũng nhiễu, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, từng bước xây dựng đội ngũ liêm chính, vì dân. Bộ cam kết không bao che, giảm nhẹ tội cho những đối tượng vi phạm.
Vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp đã hỗ trợ nhiều cho các ngành sản xuất nông sản, nhưng vẫn còn hạn chế. Nguyên  nhân là các loại cây trồng còn canh tác nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa, quy y mô sản xuất nhỏ nên chưa cung cấp đủ nguyên liệu dù vùng trồng đã có... Thời gian tới Bộ sẽ tham mưu để có các vùng trồng quy  mô lớn; áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến; đề xuất các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí để có các máy móc phục vụ cơ giới hóa.
Để khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, theo Bộ trưởng, suy cho cùng là vấn đề con người. Nguồn nhân lực từ đàm phán tới triển khai đều rất mỏng, đề nghị mỗi ngành mỗi địa phương có chính sách tuyển dụng bổ sung đội ngũ nhân lực đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ nhiệm vụ này.
 15 giờ 30, Quốc hội giải lao 20 phút
Trước giờ giải lao, các đại biểu tiếp tục chất vấn.
Các đại biểu quan tâm về vấn đề Hiệp định thương mại tự do; Giải quyết tình trạng cán bộ nhũng nhiễu người dân; Giải pháp căn cơ đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn về môi trường; Sự hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí logistics,...

15 giờ 09 phút, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn:

Trả lời tranh luận của đại biểu Tạ Văn Hạ và đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn. Để quản lý được hoạt đông này, không chỉ trách nhiệm của ngành Công thương mà rất nhiều ngành như Thông tin và Truyền thông, công nghệ thông tin, tài chính… theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Đồng thời, Bộ sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng để thông tin, kịp thời xử lý sai phạm, chống thất thu thuế trong môi trường thương mại điện tử.

Hoạt động này biến hoá không lường nên phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Đây là lĩnh vực mới, không chỉ với Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp phải.

Đồng thời, phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này.

Câu tranh luận của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, những trường hợp có căn cứ chứng minh là vi phạm, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này.

Trả lời Hà Sỹ Huân về giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm thủy sản qua các chính sách ưu đãi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của cơ giới hóa để nâng cao giá trị chế biến nông lâm thủy sản phát triển nông nghiệp nông thôn được khẳng định trên thực tế, nhất là từ khi đất nước đổi mới đến nay.

Chúng ta đã thu được nhiều kết quả trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã áp dụng nhiều giải pháp để thực hiện: Tham mưu để ban hành Nghị định 32 thay thế Nghị định 68 về quản lý cụm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông dân nông thôn.

Cùng với đó, triển khai ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp địa phương, các mô hình trình diễn và hỗ trợ công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp công nghiệp địa phương để nâng cao năng lực vào các khâu của quá trình sản xuất….

Những kết quả mang lại trong thời gian qua được chứng minh, cơ giới hóa nông nghiệp đạt trên 90%, máy xay xát lúa,máy đánh bóng gạo và máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chế tạo và thâm chí còn được xuất khẩu đi nước ngoài. Bên cạnh đó, máy móc dây chuyền chế biến bảo quản nông sản đã góp phần tăng giá trị nông sản bình quân từ 8-10%/năm

Đồng thời, các Cụm công nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, lao động, việc làm vùng nông thôn. Mặc dù vậy, công nghiệp phục vụ nông nghiệp vẫn tồn tại những hạn chế như vấn đề tích tụ đất đai trong nông nghiệp, sản phẩm đưa vào chế biến chưa đồng nhất do quy mô còn nhỏ và chất lượng không đồng đều.

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đổi mới nâng cao hiệu quả chương trình khuyến công cho mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến khích sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn, tạo cơ sở để ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa nông nghiệp, tạo vùng nguyên liệu và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, Bộ cũng chú trọng các khâu nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới vào các ngành công nghiệp thực phẩm để tạo ra các sản phẩm chế biến có giá trị cao, tập trung phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm nông nghiệp có lợi thế thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, Bộ điều chỉnh chính sách hỗ trợ xây dựng cơ chế hoạt động các cụm công nghiệp đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy; Liên kết để hướng tới xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Ở vùng sâu vùng xa, phải quy hoạch được các vùng nguyên liệu. Để có vùng nguyên liệu, trách nhiệm trước hết của các cấp ủy chính quyền địa phương. Theo Bộ trưởng, chúng ta phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi và phải áp dụng được các công nghệ mới trong quá trình sản xuất, các khâu của quá trình sản xuất để đảm bảo các sản phẩm của chúng ta xanh, sạch, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; phải nắm bắt được tín hiệu của thị trường, sản xuất ra thị trường những sản phẩm thị trường cần.

Để thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư và hưởng các cơ chế chính sách của nhà nước hiện hành ở địa phương cần dành nguồn lực về đất đai, nguồn lực đầu tư vào hạ tầng. Ngoài ra, các bộ ngành, chức năng trong đó có ngành Công Thương phải rà soát để sửa đổi bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách để có thể thu hút nhà đầu tư vào những vùng này.

Câu hỏi của Đại biểu Việt Nga về vấn đề các doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn xuất khẩu của nước ta, Bộ trưởng cho biết, thực tế này có nhiều nguyên nhân, do các doanh nghiệp này có nhiều thế mạnh về vốn, công nghệ, thương hiệu và mạng lưới phân phối từ nhiều năm. Trong khi đó các doanh nghiệp của chúng ta nguồn lực còn hạn chế, mới chỉ từng bước thâm nhập thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giá trị vượt trội so với nhóm hàng nông sản của doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp FDI phù hợp với chủ trương, thu hút đầu tư FDI để chúng ta tiếp cận thị trường, công nghệ, quản trị…

Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta, hội nhập không chỉ đo đếm bằng các FTA hay bằng các dự án mà nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư mà phải đo đếm bằng sức khỏe của nền kinh tế đất nước, hội nhập của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian qua, doanh nghiệp nội của chúng ta cũng vươn lên khá tốt, có sự tiếp cận và liên kết mạnh. Doanh nghiệp Việt đang từng bước vươn lên, khai thác tốt các FTA, chiếm lĩnh thị trường, khai thác lợi thế mà Việt Nam đang có.

Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tạo được nguồn hàng chất lượng cao, ổn định, cạnh tranh với hàng của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp về phòng vệ thương mại…

Về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản như các đại biểu quan tâm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu thực phẩm ở 3 cấp độ: Thương hiệu ngành quy mô cấp toàn quốc, thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm quy mô cấp doanh nghiệp.... Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ có liên quan triển khai phối hợp về hỗ trợ đăng ký bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài…

Thời gian tới, Bộ tiếp tục nâng cao nhận thức phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm tiềm năng… Tiến tới phải xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia chứ không dừng lại ở sản phẩm riêng lẻ hay địa phương.

15 giờ 02 phút, các đại biểu chất vấn và tranh luận:

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân chất vấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, tại Báo cáo phục vụ chất vấn tại Kỳ họp này về việc thực hiện chính sách pháp luật phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn đã chỉ ra hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế. Như vậy, việc ban hành chính sách áp dụng chung cho các địa phương trên phạm vi cả nước còn nhiều hạn chế và sẽ còn khó khăn hơn đối với các địa phương không có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm thủy sản, nhất là các tỉnh miền núi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời có giải pháp gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút được các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông, lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những chính sách ưu đãi hơn?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Thị Song An chất vấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng, theo Quyết định số 816 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 có nhiệm vụ xây dựng và triển khai Chương trình thu hút đầu tư phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực thủy sản, trái cây, lúa gạo; Chương trình thông tin, dự báo và phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực; Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Đại biểu đề nghị, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện các nhiệm vụ này như thế nào?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) chất vấn về giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đầu tư hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước để cân bằng tỷ trọng xuất khẩu, trong khi hiện nay, chủ yếu tỷ trọng xuất khẩu nằm trong doanh nghiệp FDI?

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cần phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Thứ 2, hiện nay, một số người kinh doanh giới thiệu sản phẩm ở thành phố lớn nhưng hàng hoá để ở vùng hẻo lánh, xa xôi sát biên giới. Những hàng này chuyển qua chuyển phát nhanh, tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý hàng hoá này cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này, bảo vệ người tiêu dùng?

14 giờ 53 phút, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời. Bộ trưởng cho biết, trong lĩnh vực thương mại điện tử, các thủ tục hành chính đã thực hiện cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp độ 4, các quy trình, thủ tục đã được tự động hóa, cắt giảm tối đa để giảm thời gian xử lý.

Năm 2023, Bộ đã xử lý hơn 10 nghìn hồ sơ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế như đại biểu phản ánh có số ít trường hợp, thủ tục cần nhiều thời gian xử lý liên quan đến hồ sơ của 2 nhóm nên có hiện tượng chậm trễ giải quyết các thủ tục cho khách hàng.

Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ khi giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường giám sát, thống kê và giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm chất lượng và thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định; hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để phục vụ khai thác thông tin và xử lý nhanh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong lĩnh vực TMĐT, các thủ tục hành chính đã cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp độ 4, các quy trình, thủ tục đã được tự động hóa, cắt giảm tối đa để giảm thời gian xử lý. Năm 2023, Bộ đã xử lý hơn 10.000 hồ sơ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các thủ tục cần nhiều thời gian xử lý, nên có hiện tượng chậm trễ giải quyết các thủ tục cho khách hàng.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ khi giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường giám sát, thống kê và giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm chất lượng và thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định; hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để phục vụ khai thác thông tin và xử lý nhanh.

14 giờ 49 phút, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang chất vấn: “Các hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử đang phát triển và Bộ Công Thương được giao xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng xuất, nhập khẩu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết các chính sách ban hành thời gian qua và trước khi ban hành chính sách này, việc quản lý các doanh nghiệp trong thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Đỗ Chí Nghĩa chất vấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên chất vấn: Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Bộ trưởng rằng những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này? Đồng thời, giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc cần nhận định vấn đề trên như thế nào và có cách xử lý thế nào? Đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để vấn đề này?

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai chất vấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu hoạt động xuất khẩu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây. Nhưng hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đồng thời trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế. Bên cạnh đó dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, vẫn phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững?

14 giờ 40 phút, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời đại biểu Nguyễn Minh Hoàng:

Hoạt động TMĐT tại Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức: Dữ liệu cá nhân bảo mật hạn chế, khiến mất an toàn thông tin; hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội và thất thu thuế TMĐT.

Khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trong đó chú trọng bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại trong hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng, doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân, tổ chức khi hoạt động TMĐT; đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; tiếp tục tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy định pháp luật về chống hàng giả và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tăng cường chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập...

14 giờ 36 phút, các ý kiến chất vấn đầu tiên dành cho bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã được các đại biểu đặt ra. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hoàng chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nhưng đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm và chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức tinh vi, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bộ trưởng cho biết thời gian tới, để hạn chế tình trạng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương có những giải pháp gì khắc phục? Và việc thu thuế TMĐT được thực hiện như thế nào? Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Công Thương đã công khai các website TMĐT trên không gian mạng, vậy việc xác minh được thực hiện như thế nào, nhất là các giải pháp tăng cường bảo mật, hạn chế lộ lọt thông tin người tiêu dùng?

14 giờ 30 phút, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn. Bộ trưởng trình bày một số nội dung chính trong lĩnh vực Công thương, được đại biểu và cử tri quan tâm. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Những năm qua mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như đứt gãy nguồn cung, suy giảm tổng cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, nhiều tồn tại, lũy kế của ngành chưa thể giải quyết triệt để, đặc biệt là liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của ngành. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước, ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nổi bật là sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi, phát triển có sự bứt phá từ quý 3 năm trước đến nay; Duy trì vai trò, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Cùng với đó, thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Xuất nhập khẩu tám năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại, đặc biệt năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ đô la, cao gấp ba lần so với năm trước. Năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16 % so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ đô la, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20-25 % thuộc nhóm năm nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng; quy mô thương mại điện tử đạt trên trên 20 tỷ đô la năm chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.

Để bảo đảm hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Bộ đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong thương mại điện tử. Đặc biệt, Bộ đã thiết lập cơ chế tiếp nhận, kiến nghị và phản hồi trực tuyến với người tiêu dùng để hỗ trợ xử lý, gỡ bỏ nội dung bán hàng trái pháp luật trên các nền tảng số.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử vẫn còn các tồn tại, hạn chế và thách thức rất lớn như trong báo cáo mà Bộ đã gửi các đại biểu Quốc hội.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các ngành, các địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Đến nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Để đạt được kết quả đó, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng.

Cùng với đó, Bộ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các công cụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của nước sở tại để giúp doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước có những phản ứng chính sách phù hợp.

Việc khai thác hiệu quả FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi FTA chưa như kỳ vọng, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là những vấn đề mà Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm, tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí phục vụ công nghiệp Những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành công nghiệp này theo quy định của Nhà nước, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất. Đồng thời, tích cực kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Với sự hỗ trợ của những nước, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí của nước ta đã có bước phát triển đáng kể, tăng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, giữ vị trí dẫn dắt đầu tàu tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thặng dư thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân và tăng trưởng chung của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi tin rằng vẫn còn những hạn chế mà ngành Công Thương cần nỗ lực tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn và cầu thị, sau đây tôi xin được lắng nghe và tiếp thu, sẵn sàng giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội xoay quanh nhóm vấn đề mà Quốc hội yêu cầu.

14 giờ 20 phút, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất về Tài nguyên và Môi trường.​​​

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

14 giờ 10 phút, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đăng đàn, làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tại phiên chất vấn buổi sáng, các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những câu trả lời rõ ràng, sát vấn đề.

Vấn đề vật liệu xây dựng đã có quy định trước đây phân cấp cho địa phương, nhưng chậm trễ vì thủ tục đã làm chậm, kéo dài thời gian. Vấn đề này đã được Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo; đã phân loại thành 4 nhóm; trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để

Từ nay dến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù, liên quan đến gia hạn, nâng công suất, gia hạn các mỏ khai thác, đơn giản thủ tục… tình hình các điểm vẫn khai thác tốt.

Về những khó khăn về vật liệu xây dựng, Chính phủ đã làm việc nhiều lần, đến nay, vấn đề bất cập giữa trữ lượng với công suất và nhu cầu, tiến độ khai thác. Việc này thời gian qua đã có dự báo, xác định rõ yêu cầu tiến độ cung cấp, công suấ có thể cung cấp, nhu cầu cần đáp ứng hiện đang thiếu.

Giải pháp thứ nhất là với nguồn cát mặn, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành hướng dẫn công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá cơ lý sức bền vật liệu, vấn đề ảnh hưởng môi trường…

Với cát biển, cần đánh giá nghiên cứu thử nghiệm với từng công trình là rất cần thiết; yêu cầu tiên quyết về đưa ra các tiêu chí về cơ lý, ảnh hưởng đến môi trường.

Thứ hai, chúng tôi đã có các phương án: Thủ tướng đã ban hành Nghị định 157; trong đó giải quyết đồng thời 2 mục tiêu: Với các cảng biển nội thủy, sông ngòi các tuyến kênh rạch giao cho địa phương đánh giá, điều tra đồng thời sử dụng vật liệu này.

Với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn toàn làm chủ được cung cấp lượng cát cho đường cao tốc; Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn khác, trong đó có sử dụng đá xay, nghiên cứu sử dụng các vật liệu khác ở các nước bạn…

Trong các dự án cao tốc, đường giao thông, hạ tầng, việc tư vấn thiết kế cần gắn với nhu cầu san lấp… để các địa phương chủ động hơn.

Liên quan đến vấn đề đất hiếm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới. Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng khảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô.

Vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hết sức toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Từ 1/1/2025 đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ nhận thức của toàn dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương về xác định chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác. Vấn đề phân loại, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng là giải pháp hữu hiệu.

14 giờ, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn chiều 4/6.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tiếp tục đăng đàn, trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời đại biểu về xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải tại các khu công nghiệp tập trung.

Theo đó, việc tái sử dụng nước thải, phục vụ kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về nội dung này.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến tái sử dụng nước thải, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan. Các bộ ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn; tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc tăng cường thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn ở địa phương; phối hợp với các địa phương thực hiện hệ thống quan trắc tự động và hệ thống xử lý nước thải; thực hiện điều hòa phân phối nguồn nước.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định cụ thể, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nguồn nước mặt đối với sông hồ liên tỉnh, trong đó nêu rõ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng môi trường.

Để quản lý chất lượng nguồn nước này cần tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc, quản lý kiểm kê, đánh giá mức độ nguồn thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rà soát, đánh giá mức chịu tải của 13 lưu vực sông để có giải pháp phù hợp; đồng thời yêu cầu các địa phương xây dựng dự án đầu tư ở vị trí nào, xả thải ra sao và những khu vực cấm và không được xả thải tránh quá tải.

Đối với nội dung chất vấn về ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị đã yêu cầu ngân sách Nhà nước cho công tác này không dưới 1%, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương chưa đảm bảo mức chi này cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là các địa phương chưa tự cân đối thu chi ngân sách.
Giải pháp thời gian tới được Bộ trưởng nêu ra là đầu tư, phát triển công nghệ, xây dựng, vận hành các công trình thu gom, xử lý, xây dựng hạ tầng… cần nguồn lực rất lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư (như đầu tư hệ thống thu gom nước thải, rác thải).

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu, việc thực hiện bảo vệ môi trường cũng cần có giải pháp đồng bộ, thời gian dài hạn cần có nhiều dự án thí điểm, dự án khôi phục các dòng sông. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường quốc gia, cần tính đến Chương trình mục tiêu quốc gia, để không chỉ được hỗ trợ về nguồn lực mà tất cả người dân, doanh nghiệp đều tham gia vào bảo vệ môi trường.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư công, cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa, từ người dân, từ doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương ưu tiên ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường.

Đối với chất vấn phân cấp cho địa phương trong triển khai Luật Tài nguyên nước, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã giao cho các địa phương 28 nội dung. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng ban hành phân cấp, theo hướng phân cấp triệt để, trong đó địa phương phân cấp chiếm 94% tổng số giấy phép; thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ chiếm 6%.

Bộ trưởng mong muốn khi luật có hiệu lực, cần vào cuộc ngay, bởi có sự phân cấp, cần nâng cao trách nhiệm đảm bảo an ninh nguồn nước, điều hòa, phân phối, quản lý lưu vực sông hiệu quả.

Sáng 4/6, tại hội trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ đối với nhóm vấn đề thứ nhất, từ 14 giờ 20 phút đến 14 giờ 30 phút, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất.

Từ 14 giờ 30 phút đến 17 giờ, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.

Các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm PV/Báo Tin tức
Tường thuật phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội
Tường thuật phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (4/6) Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hai nhóm vấn đề đầu tiên sẽ được Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn là Tài nguyên và Môi trường; Công thương. Trong buổi sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đăng đàn trả lời về các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN