Thuỷ điện Ia Krel 2 bị vỡ đập lần thứ hai

Thủy điện Ia Krel 2 nằm trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) tiếp tục bị vỡ thân đập vào lúc 8h sáng ngày 1/8. Theo người dân ở đây, nước lũ bất ngờ đổ về cuốn trôi toàn bộ thân đập và một số thiết bị cơ giới đang thi công tại công trường. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng hàng chục héc ta hoa màu của người dân vùng hạ du đã bị nước lũ nhấn chìm.

Đến 16h cùng ngày, mực nước tại vùng hạ du sau đập thủy điện vẫn còn cao. Theo thống kê sơ bộ của huyện Đức Cơ, hiện đã có 28 chòi rẫy của người dân đã ngập nước, trong đó 13 chòi bị cuốn trôi hoàn toàn. Hơn 60 ha cây trồng các loại bị ngập, 30 ha cao su của Công ty 72 (Binh đoàn 15) bị gãy đỗ, trong đó có 15 ha mất trắng.

Ông Nguyễn Chức ở làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ cho biết: "Ngay từ sáng sớm, tôi nghe tiếng nước chảy ầm ầm, nhìn ra thì thấy nước lênh láng khắp nơi. Lúc đó tôi không biết thế nào đành phải bỏ chạy để cứu mình. Hiện toàn bộ 7 ha điều, cao su, sắn và lúa của gia đình đã bị ngập hoàn toàn trong nước".

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel2, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cùng các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời để chỉ đạo việc ứng cứu và khắc phục thiệt hại xảy ra.

Ông Hoàng Công Lự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức di dời người dân vùng ngập lũ ra khỏi nơi an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người. Các ngành chức năng tập trung kiểm kê lại diện tích thiệt hại để hỗ trợ người dân kịp thời.

Bên cạnh thực hiện những biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại vỡ đập, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá để tìm ra nguyên nhân xảy ra vỡ đập và báo cáo xử lý.

Điều đáng nói là sau khi thủy điện Ia Krel2 bị vỡ đập lần đầu vào tháng 6/2013 thì đến đầu tháng 5/2014, chủ đầu tư công trình này (Công ty cổ phần Công nghiệp và thủy điện Bảo Long) mặc dù chưa được các cấp chính quyền địa phương cho phép nhưng đã khởi động lại dự án bằng việc cho đắp đê quai tích nước. Sự việc này đã được các cơ quan báo chí và dư luận địa phương đặc biệt lo ngại về nguy cơ thiếu an toàn của công trình đối với vùng hạ du. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã phớt lờ lời cảnh báo và đây là nguyên nhân trực tiếp xảy ra tai họa vỡ đập lần thứ hai.


Nguyễn Hoài Nam
Hậu quả do xây dựng tràn lan nhà máy thủy điện
Hậu quả do xây dựng tràn lan nhà máy thủy điện

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện tràn lan đã và đang trở thành “hội chứng quốc gia” với những hậu quả rất khó lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN