Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững

Để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần có sự phân tích, đánh giá về năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chính sách đối với lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng.

Chú thích ảnh
Cán bộ kỹ thuật của trung tâm nghiên cứu khoa học Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên thực hiện quy trình cấy mô giống cây. Ảnh tư liệu, minh họa: Xuân Triệu/TTXVN

Giải quyết bài toán trong thực tiễn cuộc sống

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia ngày càng hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, còn có những khó khăn trong huy động và phân bổ nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang trong giai đoạn hình thành; năng lực thống kê tại các bộ, ngành và địa phương hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đề ra trong thống kê các mục tiêu phát triển bền vững. Việc điều tra thu thập số liệu phục vụ giám sát đánh giá phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh phí thực hiện.

Trước những khó khăn trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những quyết sách hiệu quả nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội XIII nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế”. 

Từ những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi trên, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã thành lập Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Những nghiên cứu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng giúp giải quyết những bài toán trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã và đang có xu hướng phát triển tích cực.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo ra giá trị vượt trội. Vì vậy, hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách, và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, tại trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài. Hiện nay, cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm.

Kiên trì đổi mới tư duy

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với một số bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế để triển khai một số hoạt động, trong đó tập trung tư vấn, tổ chức nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề về xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, xây dựng các báo cáo quốc gia về phát triển bền vững; tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì các mục tiêu phát triển bền vững. 

 Để tiếp tục thực hiện đúng lộ trình đặt ra, xét trong bối cảnh 17 mục tiêu phát triển bền vững có mối liên hệ chặt chẽ, đòi hỏi cần có sự chuyển đổi từ cách tiếp cận đạt từng mục tiêu riêng lẻ sang cách tiếp cận tổng thể, trong bối cảnh của quốc gia đang phát triển như Việt Nam với kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn hẹp, nghịch lý của đổi mới sáng tạo vẫn đang hiện hữu, việc giải quyết những vấn đề xuyên suốt phức tạp của các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi tư duy vấn đề rộng hơn. 

Theo đó, cần sự phối hợp hiệu quả của nhiều bên liên quan trong đánh giá thực trạng và các yêu cầu đặt ra với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời, xác định các chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ưu tiên để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Việt Nam cần xây dựng các lộ trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trung và dài hạn vì các mục tiêu phát triển bền vững để định hướng các chính sách phát triển bền vững không chỉ đến năm 2030 mà còn đến năm 2050 dựa trên nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau”.  

Ông Trần Văn Nghĩa đề xuất, với vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cơ chế đối thoại, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và người dân trong xác định, triển khai các giải pháp kịp thời, khả thi, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển bền vững đất nước. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, thời gian tới, ngành cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ. Cùng với đó, nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thu Phương (TTXVN)
Những dự báo hàng đầu về xu hướng kinh doanh và công nghệ định hình năm 2024 tại Việt Nam
Những dự báo hàng đầu về xu hướng kinh doanh và công nghệ định hình năm 2024 tại Việt Nam

Những khả năng phát triển mới của AI đang thu hút nhiều sự chú ý hơn, nhờ vào sự phổ biến rộng rãi của các công cụ AI tạo sinh (Generative AI). Và điều này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN