“Khan” hàng, người mua lại đông cho nên giá các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức khá cao. Tình trạng này khá phổ biến tại các TP lớn sau khi kết thúc kì nghỉ Tết Nguyên đán.
Mặc dù đã đi làm trở lại hơn 1 tuần sau Tết, nhưng mỗi lần xách giỏ ra chợ, chị Lê Thị Vân (ngụ ở Phường Phước Long A, quận 9) lại “giật mình” vì giá cả thực phẩm thiết yếu tăng khá cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo chị Vân, ngày thường đi chợ nấu ăn cho cả nhà chỉ hết khoảng 100.000 - 200.000 đồng/ngày với đủ loại rau, thịt, cá. Tuy nhiên, sau Tết đi chợ mua cũng các loại thực phẩm như trên nhưng tôi phải chi ra số tiền gấp 2 - 3 lần. “So với cùng kì năm ngoái, tôi thấy giá rau củ quả, cá thịt năm nay tăng cao ngất ngưởng, bình thường sau Tết giá thực phẩm chỉ cao hơn ngày thường chút ít’, chị Vân cho biết thêm.
Các mặt hàng rau xanh, củ quả vẫn đang có giá khá cao tại các chợ lẻ tại TP Hồ Chí Minh. |
Ghi nhận tại một số chợ lẻ tại TP Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành (quận 1), Chợ Phước Bình (quận 9), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp)… hiện nay các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản đều đang có giá tăng thấp nhất cũng từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg, tăng cao có thể gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời điểm trước Tết nguyên đán. Ví dụ giá các loại cải xanh dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg (tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg), súp lơ 40.000 - 60.000 đồng/kg (tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg), cà chua 300.000 - 40.000 đồng/kg, khổ qua 30.000 - 50.000 đồng/kg ( tăng gấp đôi so với trước Tết), khoai tây 60.000 - 80.000 ngàn đồng/kg (tăng gấp 3 lần so với trước Tết)…
Mặc dù không tăng giá cao như các loại rau, củ nhưng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/ kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Ví dụ: Thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với trước Tết), thịt bò 250.000 - 300.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 50.000 đồng/kg), cá hường 80.000 - 90.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), cá bạc má, cá nục 70.000 - 80.000 đồng/kg (tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg)…
Mặt hàng thủy hải sản tại các chợ lẻ khan hiếm nguồn cung do ngư dân chưa ra khơi đánh bắt nhiều. |
Theo lý giải của các tiểu thương, nhiều mặt hàng rau xanh, thủy hải sản tăng giá do nguồn cung đang thiếu hụt. Với mặt hàng rau củ quả do đợt lạnh vừa qua khiến nhiều nhà vườn rau Đà Lạt, miền Tây rau bị rập úng, hư hại. Đối với mặt hàng thủy sản do đang trong mùa giông bão, sóng lớn nên ngư dân chưa thể ra khơi nhiều vì vậy hàng hóa về các chợ đầu mối ít nên nhiều mặt hàng vẫn đang giữ giá như thời điểm Tết.
Anh Thanh Bình, chủ cửa hàng bán cá biển tại phường Phước Long A, quận 9, cho biết hiện nay lượng người mua cá biển khá đông nhưng do không có hàng bán cho nên chúng tôi phải bán một ngày và nghỉ một ngày. Vừa khan hàng, giá các mặt hàng lại cao cho nên mỗi khi bán cá tôi phải kèm theo lời giải thích cho khách hàng. So với thời điểm trước Tết, giá các mặt thủy sản đang khá cao và tăng từ 5.000 - 20.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để bán.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân sau kì nghỉ Tết, hiện nay các hệ thống phân phối hiện đại đang có khá nhiều chương trình khuyến mãi. Ví dụ như tại hệ thống siêu thị Co.opmart, từ nay đến 28/2 đã và đang triển khai chương trình khuyến mãi 600 mặt hàng giảm giá đến 50% gồm đa dạng các sản phẩm từ rau củ quả đến thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng và quần áo thời trang...
Lí giải về việc một số hàng hóa thực phẩm tươi sống đang có giá cao tại các chợ lẻ, đại diện Sở công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trước trong và sau Tết Nguyên đán nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khá dồi dào, phong phú, sức mua, giá cả trên thị trường hiện cũng không có biến động nhiều. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng tại các chợ lẻ có thể tăng giá cao hơn ngày thường do nhu cầu mua sắm trong cùng một thời điểm (buổi sáng, cuối buổi chiều) của người dân tăng cao trong khi nguồn cung đang thiếu.
Nhằm kiểm soát giá cả, tránh tăng giá đột biến tại một số chợ lẻ tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương TP cũng đã có văn bản chỉ đạo các quận huyện thường xuyên theo dõi, nắm bắt giá cả tại địa phương, nếu khu vực nào có biến động về giá Sở sẽ bố trí các chuyến xe hàng bình ổn để vận chuyển hàng hóa, dập tắt ngay các điểm nóng này nhằm giúp ổn định thị trường. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ còn giữ ở mức cao trong vài ngày tới và chỉ ổn định khi nguồn cung hàng hóa tại các chợ đầu mối dồi dào hơn.