Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải chia sẻ thông tin về công tác chuyển đổi số ngành Giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Trong đó, cơ sở dữ liệu về mầm non, phổ thông đã thu thập thông tin của 100% trường học (gần 53.000 trường học) trên cả nước, với 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 24 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, thể chất; kết nối với hơn 17.083 trường học. Với cơ sở dữ liệu này, ngành Giáo dục quản lý được quy mô trường lớp, vấn đề thừa thiếu giáo viên; quản lý sức khỏe học sinh; tiêm vaccine phòng COVID-19…
Bên cạnh đó, Bộ triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), thu thập, số hóa dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, hơn 152.000 giảng viên và hơn 2,1 triệu người học… cùng dữ liệu về nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Ngành Giáo dục đã thực hiện nghiêm, kịp thời chủ trương không dùng sổ hộ khẩu, không dùng giấy chứng nhận thường trú trong thủ tục hành chính. Năm 2023, ngành đã không sử dụng giấy chứng nhận thường trú mà khai thác hoàn toàn trực tuyến trên môi trường số cho hàng triệu thí sinh tham gia các kỳ tuyển sinh đầu cấp và đại học.
Trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, các thủ tục hành chính thiết yếu đã được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 93% mỗi năm). Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến (với hơn 600.000 thí sinh - 3 triệu nguyện vọng được đăng ký trực tuyến mỗi năm). Việc thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 97%. Thí sinh xác nhận nhập học đại học trực tuyến trên Cổng tuyển sinh đạt 81%.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thí điểm triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Đây là giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành (hạn chế sử dụng giấy tờ, cắt giảm thành phần hồ sơ trong các thủ tục hành chính).
Việc sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đảm bảo thuận tiện trong lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, nhà trường, đồng thời minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện học sinh; hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các trường đại học xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung (MOET-MOOC). Trong đó, 7 nhóm ngành đào tạo sẽ do 7 cơ sở đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường liên quan tham gia xây dựng và sử dụng chung trên hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau của nhiều khóa học trực tuyến trên hệ thống (sinh viên của trường này có thể học khóa học của trường khác nếu được công nhận tín chỉ). Cùng với đó, Bộ đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, việc nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trang bị kiến thức, kỹ năng số chưa đến được với tất cả cán bộ quản lý giáo dục, người dạy, người học. Tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện, chất lượng nhiều tài nguyên số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị ở các nhà trường, trang thiết bị cho giáo viên, học sinh, đặc biệt ở khu vực miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống còn nhiều khó khăn.
Cơ sở dữ liệu bước đầu đưa vào khai thác có hiệu quả, tuy nhiên phạm vi dữ liệu số hóa còn hạn chế; chưa triển khai các công cụ, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả thu thập, phân tích dữ liệu, xây dựng báo cáo, dự báo... phục vụ hiệu quả quản lý giáo dục; thách thức trong quản lý, sở hữu, khai thác dữ liệu, thông tin cá nhân. Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này chưa thực sự hiệu quả.