Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia của UN Women và các cơ quan Liên hợp quốc, đại diện các quốc gia đã triển khai Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh; cung cấp một bức tranh tổng quan và ý tưởng cho các cơ quan và các bên liên quan tại Việt Nam về khả năng xây dựng một Chương trình hành động quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, cách đây 1 năm (tháng 12/2020), Hội nghị quốc tế về Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả do Việt Nam và Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhân dịp 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 (năm 2000) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khởi nguồn cho Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tại Hội nghị đó, cùng nhìn lại chặng đường hai mươi năm thực hiện Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, các thành viên Liên hợp quốc đã cùng ghi nhận những bước dài trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý và chính sách về vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.
Nghị quyết 1325 đã mở đường cho 9 Nghị quyết tiếp theo về vấn đề này cũng như việc lồng ghép khía cạnh giới trên hầu hết các văn kiện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ các châu lục, vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được ghi nhận tại nhiều văn bản quan trọng ở cấp khu vực/tiểu khu vực như Tuyên bố Dakar (năm 2010) của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) về triển khai Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2017), Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao Đông Á về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2020) hay các Chương trình hành động khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn A-rập (LAS), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)…
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng, hướng tới tương lai, nhiệm vụ của các thành viên Liên hợp quốc là đi tiếp và tiến xa hơn trong chặng đường từ cam kết tới kết quả; để phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn, toàn diện hơn trước các thách thức, bất ổn và mối đe dọa về an ninh; để phụ nữ hiện diện và đóng vai trò quan trọng hơn trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình; để định kiến giới không còn là rào cản đối với mong muốn chính đáng và nỗ lực vươn lên của phụ nữ. Trong tiến trình đó, ông Đỗ Hùng Việt cũng cho rằng, các thành viên Liên hợp quốc cần quan tâm hơn tới các cơ chế và công cụ triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, trong đó có vai trò của các Chương trình hành động quốc gia.
Khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời, là nước từng trải qua chiến tranh, Việt Nam ý thức sâu sắc về vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình xây dựng và củng cố hòa bình, theo ông Đỗ Hùng Việt, phụ nữ Việt Nam có mặt từ chiến trường tới bàn đàm phán Hiệp định hòa bình, tới lực lượng rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, xây dựng đồng thuận xã hội hay trong lao động, sản xuất nhằm tái thiết và xây dựng đất nước. Không chỉ vậy, phụ nữ Việt Nam cũng đã mang lá cờ Việt Nam đến những vùng đất xa xôi để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi hay Nam Sudan.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam luôn là một tiếng nói tích cực ủng hộ và thúc đẩy vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh. Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (năm 2008-2009), Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng các khuôn khổ chính sách của khu vực về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và tham gia Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa giải.
Đánh giá Hội thảo quốc tế lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hơn nữa việc triển khai Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của mình, ông Đỗ Hùng Việt đề nghị các đại biểu chia sẻ cam kết và kinh nghiệm triển Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các Chương trình hành động quốc gia.
Ông Đỗ Hùng Việt kỳ vọng, những chia sẻ tại Hội thảo sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội của Việt Nam có được một bức tranh tổng quan về các nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đó có các chương trình hành động quốc gia, để từ đó trao đổi, tham mưu về các biện pháp phù hợp nhất đối với Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Rana Flowers, Quyền Điều Phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, Hội thảo lần này là một bước đi mạnh mẽ tiếp nối Hội nghị được tổ chức cách đây 1 năm, từ đó đẩy mạnh hơn nữa các cam kết đối với Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Chương trình nghị sự này theo hướng đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, hòa bình và an ninh với tư duy mới và cách tiếp cận có tính nhân đạo để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc xung đột, bà Rana Flowers cho rằng, phụ nữ Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn vào các sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã có 75 đại diện trong đó có phụ nữ tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có 11 bệnh viện dã chiến khác nhau. Tuy nhiên, theo bà Rana Flowers, vẫn còn nhiều thách thức mà cần phải được giải quyết trong lĩnh vực này, đặc biệt ở góc độ tài chính cũng như phân bổ ngân sách để có thể triển khai thực hiện các chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Bà Rana Flowers đánh giá, hai năm qua, với COVID-19, vai trò mạnh mẽ và quan trọng hơn của phụ nữ trong các vấn đề hòa bình và an ninh đã được nhìn rõ, tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, bất bình đẳng vẫn là một trong những trở ngại đối với phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột; chỉ có thể đạt được hòa bình, an ninh bền vững nếu có sự tham gia của phụ nữ. Do đó, các quốc gia cần có góc nhìn về giới trong quá trình hoạch định chiến lược, từ đó nâng cao năng lực cũng như tiếng nói của phụ nữ, đảm bảo một thế giới công bằng hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng tìm hiểu những thông lệ, giải pháp của các quốc gia nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.