Mục đích của Nghị quyết nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đủ về số lượng với trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kỹ thuật, phẩm chất, đạo đức tốt, có ý thức phục vụ nhân dân, đáp ứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2023 - 2025 đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện chính sách thu hút nhân lực Bác sĩ cho ngành Y tế tỉnh trong 2 năm là khoảng 45,5 tỷ đồng.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra các chính sách thu hút đối với các đối tượng không phải là công chức, viên chức ngành y tế đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa; Bác sĩ chuyên khoa I; Bác sĩ chuyên khoa II; Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ; Phó Giáo sư, bác sĩ; Giáo sư, bác sĩ có nguyện vọng về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế.
Bên cạnh phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe tốt; không bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự thì người được thu hút phải có tuổi tham gia công tác tối thiểu 10 năm đối với các trường hợp được thu hút từ nơi khác về và tối thiệu 15 năm đối với các trường hợp được tuyển dụng mới.
Các đối tượng trên sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần/năm trong vòng 5 năm. Cụ thể, mức trợ cấp đối với người có học hàm Giáo sư là 300 triệu đồng/năm; Phó Giáo sư là 200 triệu đồng/năm. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; Thạc sĩ bác sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I lần lượt được hưởng trợ cấp 100 triệu đồng/năm và 60 triệu đồng/năm.
Mức trợ cấp đối với bác sĩ đa khoa đào tạo hệ 6 năm tùy thuộc nơi công tác (các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, huyện/thị xã/thành phố hoặc trạm y tế xã/phường/thị trấn) và xếp loại tốt nghiệp (giỏi hoặc khá) là 35 - 50 triệu đồng/năm.
Ngoài chính sách thu hút của tỉnh, các đối tượng là Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II; Thạc sĩ bác sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa II và Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ 6 năm nếu tốt nghiệp xuất sắc còn được hưởng thêm chính sách theo quy định của Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Các đối tượng sẽ được bố trí làm việc phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường theo đúng vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau 1 năm công tác, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện đi đào tạo ở trình độ cao hơn thì họ được xem xét cử đi học và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định hiện hành. Trường hợp do nhu cầu của đơn vị, người được thu hút có thể được cử đi học sớm hơn.
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến bộ về mọi mặt, thu được những thành quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nguồn nhân lực y tế được củng cố, nâng cao, phát triển đáp ứng xu thế. Thông qua Kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020, ngành Y tế địa phương đã cử đi đào tạo được 1.116 nhân lực có trình độ đại học, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Bác sĩ chuyên khoa cấp I và Thạc sĩ.
Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập như thiếu bác sĩ đa khoa, bác sĩ có trình độ sau đại học và chuyên môn sâu; đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực; cơ cấu nhân lực theo từng lĩnh vực chưa phù hợp với quy định… Đặc biệt là tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng tại các đơn vị y tế cơ sở như Trung tâm Y tế tuyến huyện, các Trạm Y tế tuyến xã và trong nhiều lĩnh vực đặc thù như lao, tâm thần, pháp y.