Kết quả lần thứ ba dự Hội nghị của WEF và cũng là lần thứ 3 làm việc tại Trung Quốc trong vòng một năm qua của Thủ tướng Chính phủ cho thấy vị trí của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế; đồng thời xác định "đột phá khẩu" cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Định vị Việt Nam trước chân trời tăng trưởng mới
Hội nghị WEF Đại Liên 2024 thu hút sự tham dự đông đảo nhất trong số 15 lần hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc với trên 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF.
Với chủ đề “ Những chân trời tăng trưởng mới”, hội nghị năm nay thảo luận một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đó là vượt qua những giới hạn để tăng trưởng, tìm kiếm những con đường, mô hình tăng trưởng mới và tận dụng những tiềm năng và cơ hội phát triển mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những chuyển biến sâu sắc.
Cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại các phiên của hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cùng nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab chủ trì Phiên Đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF; chủ trì Tọa đàm với doanh nghiệp đối mới sáng tạo của WEF.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đóng góp thảo luận vào các các vấn đề toàn cầu; chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới cùng 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng tới thế giới hiện nay và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai; đồng thời nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: đổi mới, sáng tạo và hội nhập.
Để hướng tới “Những chân trời tăng trưởng mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu, nhất là trong ba lĩnh vực quan trọng.
Trên tinh thần 3 cùng là “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển” và “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; hợp tác đầu tư vào Việt Nam nhất là các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo…
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có những trao đổi cởi mở, chân thành, sâu sắc với các đối tác và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm cao của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính được các đối tác cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện qua sự hứng khởi, quan tâm, mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhất là trong những ngành lĩnh vực mới. Không khí các cuộc trao đổi đều rất hào hứng, khí thế, hứa hẹn nhiều cơ hội để mở rộng, thiết lập các quan hệ đối tác, đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Nhận xét về sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại WEF Đại Liên 2024, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, không chỉ bởi Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất mà còn là nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh chóng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Giáo sư Klaus Schwab, cộng đồng quốc tế đều rất ấn tượng về cách Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn Việt Nam đánh giá về tương lai; không chỉ tìm cách giải quyết những vấn đề thế giới đang gặp phải ngày nay mà còn tạo ra một nền kinh tế thực sự có chỗ đứng trong thế kỷ 21 - đặc biệt là về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; nhấn mạnh các đại biểu dự WEF đều rất ấn tượng với các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam như đã nêu trên.
Lấy hợp tác, kết nối hạ tầng đột phá trong quan hệ Việt - Trung
Cùng với tham dự WEF Đại Liên 2024, chuyến công tác và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc cũng nhằm tiếp tục cụ thể hóa, triển khai nhận thức, thỏa thuận chung mang tầm chiến lược của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Tại các cuộc hội kiến, hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng nhìn lại những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc kể từ sau các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), cùng nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ sâu sắc, toàn diện, thực chất như ngày nay.
Cùng với điểm lại quá trình và kết quả thực hiện, hai bên thống nhất cùng chỉ đạo các cấp, các ngành của hai nước đi sâu quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững theo phương hướng “6 hơn”.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, kết quả và ý nghĩa của các cuộc hội đàm, hội kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện rõ nét trên 4 phương diện. Trong đó, hai bên thống nhất duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương; trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hợp tác thời gian qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thời gian tới; không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước; xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc lần này đóng vai trò định hướng và dẫn dắt quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Thông qua hoạt động này, với các cuộc tiếp xúc cấp cao, sự tin tưởng lẫn nhau mang tính chiến lược có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam toàn diện trong các lĩnh vực như kinh tế, nhân văn và an ninh. Qua đó, tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam lên mức độ sâu sắc hơn và thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước thông qua việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh dự và phát biểu tại Hội nghị “Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc”; đồng thời có các cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển hạ tầng như Công ty TNHH đầu máy và toa xe Đại Liên; Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc; Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc; Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương; Tập đoàn Thiên Doanh…
Với phương châm không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai”, “Vành đai và con đường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hợp tác phát triển, kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt sẽ là đột phá trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác, tham gia triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam như các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên vùng, đường sắt đô thị; chuyển giao kinh nghiệm quản trị, công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng Việt Nam. Những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được lãnh đạo và các doanh nghiệp Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ, với việc gặp gỡ các đối tác quan trọng và gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đã mở ra cơ hội rất tốt, rất quý cho đường sắt Việt Nam.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, cùng với việc học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ Trung Quốc trong phát triển đường sắt, Việt Nam còn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc để chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, cụ thể là trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ về phát triển công nghiệp đường sắt, về thông tin tín hiệu đường sắt…
Có thể khẳng định, chuyến công tác tham dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đầy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lại Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược"; và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF.