Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi rộng, ảnh hưởng tác động đến số lượng lớn dân số. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tuy thời gian nhận nhiệm vụ chưa dài nhưng với tinh thần năng động, trách nhiệm, thái độ làm việc quyết liệt, đã đi sâu sát vào cơ sở, giải quyết nhiều vấn đề, nghiên cứu tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu, khắc phục những tồn tại, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, của sự cố môi trường miền Trung, trong quý I, II/2016, nông nghiệp có mức tăng trưởng âm nhưng đến quý III/2016, bằng giải pháp cụ thể của Bộ, ngành Nông nghiệp đã có tăng trưởng dương, đây là nỗ lực lớn, tạo ra bước đột phá mới.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (đứng), Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ NN&PTNT. |
Tuy nhiên, Thủ tướng gợi ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung khắc phục 7 vấn đề tồn tại đã nhiều năm, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tập trung tái cơ cấu nông nghiệp. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ đây là nhiệm vụ lớn, mục tiêu là nâng giá trị sản xuất nông nghiệp trên một diện tích canh tác, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình hợp tác xã. Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện đang gặp 2 vấn đề khó khăn lớn là tiếp cận đất đai và tín dụng.
“Doanh nghiệp muốn làm nhưng không có đất, doanh nghiệp muốn làm lớn nhưng không có đất lớn, vì chúng ta đã giao đất lâu dài cho người dân, vấn đề tích tụ đất thế nào, dồn điền đổi thửa thế nào, ô nhỏ thành ô lớn thế nào”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề tiếp cận tín dụng còn vướng. Lãi suất vay trung, dài hạn 9,1%/năm với doanh nghiệp làm nông nghiệp là rất khó, không phải địa phương nào cũng "say sưa" với việc này vì rủi ro trong nông nghiệp rất lớn, phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề thời tiết. Đi liền với đó là việc gắn kết giữa người dân và hợp tác xã kiểu mới, vấn đề liên quan đến 4 nhà, đây là vấn đề lớn mà ngành cần chỉ đạo quyết liệt.
Bộ trưởng cho rằng thị trường xuất khẩu mới tập trung vào một số mặt hàng lớn, có tiềm năng, hình thức xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, lúa gạo, thủy sản, cà phê, cao su, số lượng còn ít, thị trường chưa bền vững, thị trường nước ngoài yêu cầu lớn nhưng đáp ứng chưa tốt, điều đó liên quan đến quy trình sản xuất sản phẩm sạch.
Nêu rõ năm 2016, Việt Nam chịu thiệt hại nặng bởi hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng gợi ý ngành Nông nghiệp cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến khắc nghiệt.
Một nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt là công tác xây dựng nông thôn mới. Theo Bộ trưởng, những năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết liệt trong việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng tiêu chí, tháo gỡ, tạo sự chuyển động mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyển động tới tư tưởng người dân các vùng nông thôn, nguồn lực huy động được nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới có phần chững lại, xu thế ở các địa phương hay quan tâm tập trung vào đầu tư hạ tầng, ít quan tâm đến chuyển đổi nâng cao thu nhập của người dân, đây là vấn đề dẫn đến đẩy nợ công tăng lên. Bên cạnh đó, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp, là điều Bộ cần quan tâm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, với yêu cầu Bộ kiểm soát hàng nhập khẩu, hàng nông sản tràn ngập từ Trung Quốc sang. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh về thí điểm thành lập một ban kiểm soát an toàn thực phẩm, làm nhiệm vụ kiểm soát an toàn thực phẩm thay cho việc của các sở Y tế, Nông nghiệp, Công Thương.
Trước thực trạng quản lý mặt hàng phân bón còn chồng chéo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sản phẩm phân hữu cơ, Bộ Công Thương quản lý sản phẩm phân vô cơ tạo kẽ hở cho các vi phạm, Bộ trưởng đề nghị Bộ đề xuất cơ quan chủ quản một đầu mối. “Quan điểm của Văn phòng Chính phủ là đề xuất với Thủ tướng giao cho một cơ quan quản lý duy nhất, hướng muốn đề xuất là Bộ Nông nghiệp quản lý cả phân hữu cơ và vô cơ, như thế không có sự đan xen, chồng chéo vì sản phẩm này gắn với sản phẩm nông nghiệp, cán bộ nông nghiệp hiểu rõ hơn việc sử dụng phân tác động đến cây trồng, đến môi trường, kiểm soát tốt hơn”, Bộ trưởng nói.
Về công tác bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, tại hội nghị ở Tây Nguyên tháng 7/2016, Thủ tướng đã yêu cầu yêu cầu đóng cửa rừng ở Tây Nguyên, không chuyển rừng nghèo kiệt sang phát triển các dự án khác làm giảm diện tích che phủ rừng. Bộ Nông nghiệp cần đề xuất ban hành chỉ thị của Thủ tướng để quản lý nghiêm ngặt, đóng cả cửa rừng tự nhiên.
Liên quan đến sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước mắt tập trung hỗ trợ người dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng, xử lý sớm lượng cá tồn đọng rất lớn của các doanh nghiệp tích trữ lại trong thời gian qua.
Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển đổi bước đầu quan trọng, từ một nền nông nghiệp hành chính bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường về nông nghiệp… Tuy vậy, về bản chất, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ bé dựa trên sản xuất nông hộ là chính. Chất lượng nông nghiệp, năng suất lao động, thu nhập của người nông dân rất thấp. Thực tế đó đòi hỏi phải tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhìn nhận lại kết quả đạt được sau quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết đã có bước chuyển về nhận thức của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ này. Tái cơ cấu đã mang đến thay đổi về cơ cấu ngành hàng. Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã tiếp cận theo hướng hiện đại, chất lượng chăn nuôi ngày càng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn thừa nhận còn tồn tại về cơ cấu ngành hàng, chưa phát triển trên diện rộng, chưa phổ biến, không đồng đều giữa các ngành hàng và địa phương. Lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho thấy, để liên kết được, phải phát triển hợp tác xã, đây là nhân tố chính, tuy nhiên, số lượng hợp tác xã hiện ít.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất những giải pháp để tháo gỡ cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới, trong đó tập trung vào sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh, sản phẩm của từng để phương. Theo Bộ trưởng Cường, phải xác định được sản phẩm chủ lực mới tập trung đầu tư. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Muốn thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần phải chỉnh sửa Nghị định 210/2013/NĐ-CP, bởi Nghị định này đang có sự cào bằng trong chính sách hỗ trợ đối với các địa phương.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, Bộ trưởng đã đề cập đến vấn đề tiếp cận tín dụng theo đó phải sửa Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết được vấn đề tín dụng. Đồng thời, cần nghiên cứu chính sách để nới hạn điền.
Hoàn thiện thể chế, không để trống quản lý
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến ngày 10/11, Bộ đã nhận 503 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Số nhiệm vụ đã hoàn thành là 352 nhiệm vụ, trong đó đúng hạn 288, quá hạn 64. Số nhiệm vụ đang giải quyết 128, trong đó có 14 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những nhiệm vụ chưa hoàn thành có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, liên quan chủ yếu đến văn bản pháp luật. Bộ sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhưng không phải là hoàn thành để đối phó.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Bộ có vai trò rất lớn trong quản lý nông, lâm, nghiệp, lĩnh vực Bộ quản lý có tác động lớn, chiếm tới 23% GDP của nền kinh tế… Bộ trưởng cần tập trung chỉ đạo xây dựng thể chế, nhất là những văn bản còn nợ đọng đã quá hạn lâu, trong đó có 3 nghị định thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản, cần thúc đẩy tiến độ.
“Muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo, cần phải xây dựng Bộ kiến tạo. Muốn vậy, các đơn vị của Bộ phải hoàn thiện thể chế, không để trống quản lý. Chỉ đạo của Thủ tướng là dứt khoát không để khoảng trống pháp lý”, ộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.