Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tỉnh miền núi Sơn La có diện tích tự nhiên 14.174 km2 , có 250 km đường biên giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang - nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em và vẫn là một tỉnh hết sức khó khăn của khu vực phía Bắc với tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2016 còn tới 31,44%; hộ cận nghèo 9,3%.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu hướng tới mục tiêu “Xây dựng Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”; trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khai thác tiềm năng các lòng hồ Thủy điện.
Năm 2016, GRDP của Sơn La đạt 9,2%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.006 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 25,4 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,15%, trong đó chủ yếu là lĩnh vực nông lâm nghiệp tăng 10,16% ; công nghiệp tăng 1,57% .
Thu ngân sách trên địa bàn 1.544 tỷ đồng, bằng 41,56% dự toán năm, bằng 90,82% so với cùng kỳ năm 2016. Lĩnh vực dịch vụ - du lịch tăng 13,56%, năm 2016 khách du lịch đạt 1,85 triệu lượt người, doanh thu đạt gần 900 tỷ; 6 tháng đầu năm 2017 khách du lịch đến Sơn La đạt 1.026 nghìn lượt người, riêng Mộc Châu và Vân Hồ đạt 560 nghìn lượt người. Sơn La đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Quy hoạch Du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Hiện tỉnh có 35.628 ha diện tích cây ăn quả, trong đó 6 tháng đầu năm 2017 trồng mới 4.200 ha; một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là Nhãn, Xoài, Bơ, Hồng giòn, cây ăn quả có múi; năm 2017 cho sản lượng khoảng 150.000 tấn quả, thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/ha. Đàn bò sữa Mộc Châu có 22.000 con bò sữa, sản lượng sữa tươi 6 tháng đầu năm 2017 đạt 37.000 tấn.
Toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp và hợp tác xã với 86 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận Vietgap về an toàn thực phẩm; tỉnh đang xây dựng tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu cho sản phẩm quả Chanh Leo.
Đến nay, đã có 21 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định gồm 12 chuỗi quả, 6 chuỗi rau, 2 chuỗi thịt lợn, 1 chuỗi mật ong và đang xây dựng 22 chuỗi tiếp theo.
Hiện nay tỉnh Sơn La có 598.997 ha rừng, độ che phủ đạt 42,5%; mục tiêu đến năm 2020 diện tích rừng 702.799 ha, độ che phủ đạt 50%; diện tích rừng Sơn La và các tỉnh miền núi phía bắc có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng đồng bằng Bắc bộ, lưu vực Sông Đà, Sông Mã và các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Sơn La đã đạt nhiều kết quả tốt về kinh tế - xã hội và kết quả này có được nhờ chuyển biến về tư duy và hành động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, tiêu biểu như: Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách tăng, hạ tầng giao thông có nhiều tiến triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục được chú trọng.
Là một địa phương trọng điểm khu vực Tây Bắc, thời gian qua, Sơn La cũng luôn làm tốt công tác đối ngoại với nước bạn Lào, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy vậy Thủ tướng vẫn nhìn nhận, Sơn La còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, mà lớn nhất là đói nghèo. Với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Sơn La là một trong những tỉnh vùng lõi đói nghèo của đất nước. Môi trường đầu tư kinh doanh còn bất cập; phát triển du lịch còn sơ khai...
Đề cập đến nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng đề nghị Sơn La rà soát, tháo gỡ, chỉ đạo, hoàn thành vượt mức thu ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt phải tập trung giữ vững trật tự - an ninh biên giới, quan tâm phát triển doanh nghiệp. Về lâu dài, phải tiếp tục lựa chọn vấn đề để chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách rõ nét và đột phá hơn. “Càng khó khăn càng phải vươn lên, quyết tâm chỉ đạo đạt kết quả đến cùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Gợi ý địa phương tiếp tục phát triển và thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao nhưng cần lựa chọn kỹ càng đầu ra cho sản phẩm theo hướng bền vững, tránh được mùa rớt giá, được giá mất mùa, Thủ tướng cũng khuyến khích Sơn La nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu; tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Sơn La cũng phải quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các xã tái định cư của Thủy điện Sơn La, chăm lo nhiều hơn đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực này.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Sơn La tăng cường hơn nữa việc xúc tiến các chương trình, dự án phát triển du lịch và luôn quan tâm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số, phấn đấu đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã giải quyết một số kiến nghị của tỉnh về việc phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển và các lĩnh vực du lịch, dịch vụ khác.