Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải chỉ đạo 'sát sàn sạt' phát triển công thương ở địa phương

"Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa cần có chiều sâu hơn nữa trong phát triển. Các địa phương phải chỉ đạo sát sàn sạt vấn đề phát triển công thương ở địa phương mình, quản lý thị trường ở địa phương mình”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 15/1, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương, một trong những lĩnh vực đạt nhiều kỷ lục của nền kinh tế nước nhà 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ 2017. Uy tín của ngành được nâng lên, đóng góp nhiều mặt vào sự phát triển của đất nước, nhất là sự cải cách.

Kỳ tích công thương

Quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 lần đầu tiên vượt mức 420 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng 21,1% so với năm 2016, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm qua với 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng thêm 4 mặt hàng so với năm 2016. Đây cũng chính là điểm sáng của bức tranh kinh tế, là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017. 

Bên cạnh kỷ lục về xuất khẩu, trong số 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương 2017, phải kể đến điểm nhấn là công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ với việc cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện có. Đây được coi là hành động cụ thể của Bộ Công Thương nhằm thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, coi năm 2017 là năm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng là một trong những cột mốc của Bộ Công Thương, đặc biệt là thành công mang tính lịch sử của thương vụ đấu giá thành công cổ phần Nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn thu về cho nhà nước gần 110.000 tỷ đồng vào tháng cuối năm 2017. Thành công của thương vụ Sabeco thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, niềm tin vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mang ý nghĩa là động lực cho sự thành công của các phiên thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong công tác xây dựng nội bộ, kiện toàn bộ máy cũng là một dấu ấn quan trọng của Bộ Công Thương – một lĩnh vực quản lý Nhà nước vốn được coi là khá cồng kềnh thời gian qua. Theo đó, số đầu mối của Bộ đã cắt giảm 5 đơn vị (từ 35 xuống còn 30 đầu mối, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập); cắt giảm 72 đơn vị cấp Phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng).

“Không chùn bước”

Phát biểu tại Hội nghị, nói về tầm quan trọng của ngành Công Thương, Thủ tướng nhắc lại câu nói của nhà Bác học Lê Quý Đôn: “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng” và khẳng định, trong 4 loại hình này, Bộ Công Thương có tới 2 lĩnh vực là công và thương. “Đây là trách nhiệm vừa là vinh dự, danh dự của ngành Công Thương trước vận mệnh quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nêu rõ.

Phân tích những bất lợi, trở ngại đã từng có thể “làm rụt chí” việc thực thi nhiệm vụ của ngành trong năm 2017, Thủ tướng nhớ lại thời điểm hết sức khó khăn vào Quý I/2017 tăng trưởng chỉ đạt hơn 5% nhưng Chính phủ đã “không chùn bước”, có những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh mà ngành Công Thương có những đóng góp quan trọng, nhờ đó mới có thể vượt qua. 

Đánh giá, mô hình tăng trưởng công nghiệp có sự chuyển đổi rõ nét, tích cực, dựa trên công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần nhập khẩu, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước trực thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương mà nổi bật là Sabeco - thương vụ mua bán cổ phần lớn nhất toàn cầu những tháng cuối năm 2017 với cách tổ chức niêm yết công khai, minh bạch, đấu giá, khớp lệnh trên sàn chứng khoán.

“Đây là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chống tham ô, tham nhũng quan liêu”, đem lại cho Nhà nước gần 5 tỷ USD, Thủ tướng nêu rõ.

Bộ cũng đã làm tốt nhiệm vụ đảm bảo tốt cung cầu hàng hóa, bán lẻ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng và đặc biệt là tạo ra gần 2,7 tỷ USD thặng dư thương mại. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi “mất cán cân thương mại chính là nguồn gốc của lạm phát”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương đã “biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình”; là bộ tiên phong trong đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về cơ cấu lại bộ máy, tổ chức, tích cực xử lý 12 dự án thua lỗ, cắt bỏ 5 đầu mối thuộc bộ.

Chỉ ra những tồn tại, yếu kém và đề nghị ngành Công Thương cần khẩn trương khắc phục trong năm 2018, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển mà chưa “thoát ra được”. Dự báo cung cầu còn yếu, chưa gây dựng được hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết giữa sản xuất và thị trường để giảm rủi ro. Xuất khẩu ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở khối FDI. Nguyên, phụ liệu cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Quản lý thị trường trong nước và biên mậu vẫn còn nhiều bất cập, buôn lậu, gian lận thương mại chưa được ngăn chặn quyết liệt và hiệu quả, nhất là vật tư nông nghiệp giá cao, chất lượng kém. Vấn đề sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Có chiều sâu hơn nữa trong phát triển

Về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ của ngành Công Thương 2018, Thủ tướng nhấn mạnh đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa cần “có chiều sâu hơn nữa trong phát triển”; trong đó có việc thúc đẩy tái cơ cấu, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Làm sao ngành Công Thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường?; Làm sao thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa? “Làm cách nào để tìm ra giá trị gia tăng mới trong công nghiệp chế biến ở Việt Nam ?”, Thủ tướng tiếp tục đặt câu hỏi và nhấn mạnh đây cũng là mục tiêu phấn đấu của ngành Công Thương năm 2018 và những năm tiếp theo.

Cùng với đó, là các giải pháp để lực lượng sản xuất công nghiệp, thương mại không phải chỉ là doanh nghiệp Nhà nước mà cả khu vực kinh tế tư nhân để khơi dậy các tiềm năng này? Làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn? Giải pháp nào để nâng cao năng suất chất lượng lúa gạo? Làm sao để phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam?

Định hướng chủ đạo của năm 2018 là phải biến những câu hỏi “làm sao” này thành hành động, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại những chỉ tiêu mà Nghị quyết 01 của Chính phủ đã giao Bộ Công Thương trong năm 2018 như: GDP công nghiệp và xây dựng đạt 7,7%; tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8 – 10 % so với 2017…, Thủ tướng lưu ý đến yếu tố trách nhiệm cá nhân và đề nghị toàn ngành phát huy thành tựu 2017, phấn đấu đạt và vượt cao hơn chỉ tiêu được giao.

Đồng tình với những giải pháp đã đề ra, Thủ tướng đề nghị Bộ chú trọng đến bài học lớn từ thành công của 2017 là sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Đây là cách làm rất cần được phát huy hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành 2018.

Các địa phương “phải chỉ đạo sát sàn sạt vấn đề phát triển công thương ở địa phương mình, quản lý thị trường ở địa phương mình”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương tại Hội nghị.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải là đơn vị đi đầu trong hành động với phương châm: Đổi mới, đổi mới hơn nữa; Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; Sáng tạo, sáng tạo hơn; Hiệu quả, hiệu quả hơn nữa. 

Bộ Công Thương, các cấp, các ngành phải “vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tư duy e ngại, khó khăn”; “biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn”, Thủ tướng mong muốn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chuẩn bị tốt nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; cụ thể hóa thể chế, chính sách, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp.

“Chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, có tính nhất quán, không phải “đẽo cày giữa đường”; “không ăn xổi, ở thì”, không để tạo nên thói “làm ăn chụp giật” trong doanh nghiệp, Thủ tướng phân tích sâu về những nguyên tắc cơ bản của việc làm chính sách.

Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển thị trường trong nước, cân đối cung cầu của đất nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; làm tốt công tác phối hợp, dự báo ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương dự kiến tổ chức các đối thoại để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018 và mong muốn Bộ “phải hành động, suy nghĩ và làm việc để hội nhập sâu trong thời đại khoa học công nghệ”.

Quang Vũ (TTXVN)
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào

Ngày 13/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào và một số bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai hợp tác với Lào năm 2017, phương hướng năm 2018. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN