Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội cả nước vẫn có những điểm sáng, CPI giảm, xuất khẩu tăng, phát triển doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Đề cập đến những hạn chế, bất cập của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng giảm, đặc biệt là du lịch và hàng không. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu, khu vực dịch vụ chịu tác động mạnh do COVID-19. Thêm vào đó, tình hình thời tiết, hạn hán, mưa đá tại các tỉnh phía Bắc gây khó khăn cho sản xuất và đời sống.
Trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình, xem xét những yếu tố tác động để đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp, Chính phủ đề nghị huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhân dân cả nước để thực hiện thành công nhiệm vụ kép: "Vừa chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra". Cùng với đó là chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển trong thời gian tới.
"Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng", như "lò xo bị nén" cần chuẩn bị tốt để bật ra một ngày gần đây, Thủ tướng nói.
Về những giải pháp tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp cách ly nghiêm ngặt đối với người từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch về Việt Nam; các địa phương liên quan, các lực lượng y tế, quốc phòng, công an cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai nhiệm vụ này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông và Vận tải khuyến cáo và thông báo đầy đủ đối với các doanh nghiệp và du khách đến Việt Nam thực hiện cách ly đủ 14 ngày nếu đi qua hoặc đến từ vùng dịch. Song, trong đó, cần chú ý tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý cấp cao, xem xét mức độ để xử lý kịp thời hơn; có biện pháp can thiệp nhanh, cách ly ngay về y tế như đã công bố.
Nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Phải ra được những giải pháp cụ thể, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện ngay", đặc biệt, thương mại, tài chính, dịch vụ, xuất nhập khẩu là những ngành chịu tác động lớn từ dịch bệnh; hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do COVID-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng. Trong triển khai các gói hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng yêu cầu cần hoãn, miễn giảm về tài chính ít nhất là 30 nghìn tỷ đồng và biện pháp này cần có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, tránh tư tưởng xin cho, không minh bạch trong quá trình triển khai.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ cần tập trung làm tốt để đối phó với những bất lợi từ bên ngoài. Các bộ, ngành liên quan tiếp tục chuẩn bị kịch bản đối phó với diễn biến kinh tế thế giới, không để bị động, bất ngờ; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường. Cải cách đổi mới, tạo nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; cung ứng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất; cắt giảm lãi suất ngân hàng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống.
Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút và thực hiện giải ngân các dự án đầu tư nhân, đầu tư nước ngoài. Từng bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, nếu có vướng mắc về thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng Chính phủ không được để chậm trễ trong xử lý.
Về tài chính, ngân sách Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất miễn, giảm giá hoãn chậm nộp thuế phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế nghiệp, tiền thuê đất... Bộ Tài chính cũng phải thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện chống thất thu, nợ đọng thuế, bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; giảm chi tiêu công và trang thiết bị đắt tiền, tiết kiệm tối đa, bảo đảm cân đối nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương đi liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh giản biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; xóa bỏ cơ chế quyền anh, quyền tôi, cơ chế xin cho.
Bộ Nông nghiệp sớm trình phương án tổng thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp. Có phương án tăng cường chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh chế biến nông sản; trong đó tiếp tục đề xuất, nhất là giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp; đồng thời triển khai phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn; tích cực chuẩn bị đón mùa mưa. Tiếp tục chỉ đạo để gỡ bỏ thẻ vàng của EC với Việt Nam, "quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm vấn đề này", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm như Dự án sân bay Long Thành và một số công trình dở dang do cơ chế mà chưa được thông qua. Các ngành giao thông, văn hóa, thể thao du lịch có biện pháp cụ thể hỗ trợ, giảm kinh phí và lệ phí vận chuyển để thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ hàng không. Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến nhất là một số thị trường mới như EU, Canada.
Hỗ trợ các biện pháp cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh; tạm dừng cấp phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương hướng dẫn, kiểm soát các giải pháp để học sinh đi học trở lại; thực hiện tốt việc khử trùng lớp học, trường học.
Về lĩnh vực công công nghệ thông tin, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường áp dụng công nghệ, nhất là thanh toán điện tử, dịch vụ công để góp phần chống dịch bệnh. Truyền thông phải làm tốt việc tạo niềm tin cho nhân dân, tôn vinh những tấm gương trong phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thông tin, truyền thông.