Báo cáo kết quả công tác năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 2016 - 2021, mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành Tài nguyên và Môi trường cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn. Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường, suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp. Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh đó, bằng sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, toàn ngành đã bám sát phương châm chỉ đạo “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao để từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Chủ động chuẩn bị và tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Những kết quả khả quan
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2018. Trước hết là tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu ngân sách. Cụ thể là thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng; trong 3 năm đã đưa hơn 50 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế-xã hội; xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30 nghìn ha. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400 nghìn ha…
Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng. Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, giảm đáng kể thiệt hại về người và vật chất do thiên tai so với năm 2017.
Các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính… đều tăng; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã huy động được toàn xã hội vào cuộc. Các kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bao gồm: đóng góp cho ngân sách trực tiếp thông qua các nguồn thu từ tài nguyên; gián tiếp thông qua đơn giản hoá thủ tục hành chính, sớm tạo mặt bằng cho triển khai các dự án, kiểm soát tốt các vấn đề môi trường đối với các dự án lớn; dự báo kịp thời khí tượng thủy văn, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế.
Đề cập về những tồn tại cần phải khắc phục, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức cần phải vượt qua. Trong đó nổi lên là nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có các giải pháp sử dụng hợp lý, tránh xung đột; khiếu kiện về đất đai đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp ở một số địa phương. Trong quản lý tài nguyên nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài. Biến đổi khí hậu ngày càng khó lường trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho ứng phó còn hạn chế; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm; mạng lưới quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao...
Phải phát huy được nguồn lực, kinh tế tài chính trong ngành
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường rất công phu, đầy đủ, đưa ra nhiều vấn đề còn tồn tại cần nhanh chóng khắc phục trong công tác quản lý Nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường.
Nhấn mạnh tài nguyên và môi trường là 1 trong 3 vấn đề trụ cột phát triển của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nói thẳng vào các vấn đề… "Làm sao để phát huy được nguồn lực; kinh tế tài chính trong ngành Tài nguyên và Môi trường; công tác xã hội hóa ngành Tài nguyên và Môi trường; những vướng mắc về thủ tục hành chính, vướng mắc giao quyền; đánh giá tác động môi trường ở các dự án là hình thức hay thực chất?”
Thủ tướng lưu ý: Công tác cán bộ trong hệ thống ngành Tài nguyên và Môi trường rất quan trọng. Nhất là về phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ được giao? Cũng như những bức xúc hiện hay về tài nguyên và môi trường cần phải có những giải pháp khắc phục. Đó là vấn đề các dòng sông chết; vấn đề hạ mực nước ngầm do khai thác bừa bãi; công tác quản lý và sử dụng đất đai nông lâm trường; công tác xã hội hóa nguồn lực phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường; việc chấm dứt khai thác cát bừa bãi… và những vấn đề về cơ chế, chính sách.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thảo luận về thể chế chính sách pháp luật để giải phóng, tạo điều kiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển. Công tác chống quan liêu, tham nhũng tiêu cực của cả hệ thống phục vụ đất nước, bảo vệ môi trường...
Đánh giá Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khoảng cách giữa đời sống với thể chế chính sách vẫn còn. Trong đó yếu tố quan trọng để thực thi chính sách là cán bộ. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường mạnh dạn điều động, kỷ luật, bãi nhiệm, khen thưởng… “Chúng ta cần khen thưởng những cán bộ làm tốt, phê phán những cán bộ làm không tốt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Cái mà tôi muốn nói ở đây là cán bộ ở hệ thống ngành từ Trung ương đến địa phương để tạo nguồn lực phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đánh giá cao hệ thống khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều tiến bộ so với nhiều ngành khác, Thủ tướng coi đây là điều kiện để ngành Tài nguyên và Môi trường phát triển.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị cần đi sâu vào những vấn đề bức xúc hiện nay, nhất là trách nhiệm của cấp Tổng cục, các cục, các Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố… "Chẳng hạn như khí tượng thủy văn có quan hệ trực tiếp với phòng chống thiên tai, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến của thế giới để giảm thiểu thiệt hại; hay giảm thiểu rác thải nhựa…”, Thủ tướng gợi ý.
Năm 2019, mục tiêu Chính phủ đề ra với 12 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả, Bứt phá”. Vậy vấn đề tạo nền tảng vững chắc để “Bứt phá” trong năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường là gì?... Thủ tướng mong muốn các đại biểu phát biểu làm rõ trong Hội nghị này.