Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn

Trong buổi làm việc chiều 21/11, kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của 3 bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.


Kiên định giải pháp đã đề ra

 

Báo cáo thêm về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả năm 2013 là cơ sở để phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Phiên khai mạc kỳ họp.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Để hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2013 và chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng khẳng định, từ nay đến cuối năm phải nỗ lực phát huy kết quả đạt được, kiên định thực hiện các giải pháp đã đề ra. Tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh. Chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào ở những vùng bị thiên tai đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.


Ổn định kinh tế vĩ mô


Băn khoăn trước đề xuất của Chính phủ về việc nâng trần bội chi, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng: Nếu không có giải pháp hữu hiệu, đề xuất này liệu có làm tăng lạm phát?


Thủ tướng nêu rõ, cùng với đề xuất tăng bội chi ngân sách nhà nước từ 4,8 lên 5,3% năm 2012, phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu giai đoạn 2014 - 2016, Chính phủ đã trình nhiều biện pháp tổng thể đi kèm để đảm bảo hiệu quả thực hiện. Theo đó, nếu như triển khai đồng bộ các giải pháp này kết hợp với tăng cường cải thiện bổ sung, thì mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014, 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát như mục tiêu đề ra khoảng 7%, đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công quốc gia trong giới hạn an toàn là khả thi.


Khắc phục nợ đọng văn bản thi hành luật


Trả lời câu hỏi của các đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về những giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ và luôn xem công việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh theo chương trình của Quốc hội; xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ đều dành thời gian cho nhiệm vụ này. Chính phủ cũng tổ chức các phiên họp chuyên đề để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản.


Từ năm 2012, Chính phủ đã tập trung sức khắc phục, đến nay, Chính phủ còn nợ 27 văn bản hướng dẫn thi hành, đây cũng đã là một bước tiến bộ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, Chính phủ vẫn coi đây là một khuyết điểm, một hạn chế yếu kém trong hoạt động của Chính phủ để khắc phục, sửa chữa.


Thủ tướng cho biết thêm, năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm phải ban bành 129 văn bản để thi hành 38 luật và pháp lệnh. Nhờ chú trọng công tác này ngay từ đầu năm nên đến nay chỉ còn 19 văn bản trong chương trình mà Chính phủ chưa ban hành được. Chính phủ quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ này.


Để nâng cao chất lượng, số lượng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Chính phủ đã tập trung triển khai một số biện pháp, trong đó có đề cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Thủ tướng đến các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; coi đây là kỷ luật kỷ cương hành chính và chấp hành đúng lịch trình ban hành văn bản ở lĩnh vực phụ trách. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản pháp luật, nhất là bộ phận pháp chế của các bộ, ngành; rà soát sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy trình, thủ tục gây kéo dài, cản trở việc ban hành văn bản.


Đảm bảo hiệu quả của thủy điện


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về việc quản lý các công trình thủy điện còn nhiều hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ luôn áp dụng một quy trình thẩm định, quản lý chặt chẽ và đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý các công trình đang hoạt động và chuẩn bị đi vào hoạt động sao cho đảm bảo các tiêu chí: hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và an toàn.


Đề cập đến các giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Thủ tướng nêu rõ, đối với các nhà máy đang vận hành, Chính phủ đã có chủ trương rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn các hồ, đập, cái nào không an toàn cho dừng hoạt động.


Chính phủ cũng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa đã có của các công trình đang hoạt động sao cho phù hợp với diễn biến thực tế của khí hậu, thời tiết và công khai quy trình vận hành để nhân dân nắm rõ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm giám sát, quản lý chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa. Chủ đầu tư nào làm sai thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật kể cả hành chính, hình sự. Chính phủ sẽ áp dụng chính sách bổ sung về di dân tái định cư, đồng thời rà soát, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại diện tích rừng đã mất do thực hiện dự án thủy điện.


Đối với các dự án đang khởi công xây dựng, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá thiết kế kỹ thuật đảm bảo an toàn, rà soát đánh giá phương án tái định cư, bổ sung cụ thể đối với từng dự án, đảm bảo việc đưa người dân đến nơi ở mới có đời sống tốt hơn, đồng thời có biện pháp đảm bảo phương án trồng lại rừng. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư trình để cấp có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa theo các tiêu chí đề ra.


Cũng tại buổi chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cung cấp thêm thông tin, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý các dự án nhà máy lọc dầu trên địa bàn cả nước.


Kết thúc phần trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục trả lời những ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội và đăng công khai để người dân theo dõi.


Giải quyết những vấn đề bức xúc

 

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau 3 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, Chánh án đã trả lời chất vấn và 7 bộ trưởng tham gia giải trình thêm các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, những vấn đề Quốc hội lựa chọn để tiến hành chất vấn là những vấn đề bức xúc, cần giải quyết, do cuộc sống thực tế của nhân dân đặt ra.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, quá trình trả lời, các bộ trưởng, trưởng ngành, đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém để thống nhất các giải pháp khắc phục. Không khí chất vấn đoàn kết, xây dựng.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm cao trong việc hoàn thành những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp 3, 4, 5 và Kỳ họp lần này. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết trên cơ sở kết luận của Quốc hội đối với phiên chất vấn lần này theo từng lĩnh vực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết chất vấn tại Phiên họp này để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua.

 

Quang Vũ - Khiếu Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN