Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng yêu cầu hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP HCM phấn đấu mỗi thành phố thu ngân sách vượt kế hoạch 10.000 tỷ đồng; các địa phương khác nỗ lực để tự cân đối ngân sách.
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội Điểm sáng của kinh tế vĩ mô tháng 8 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,1% so với tháng 7. CPI bình quân 8 tháng tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến giữa tháng 8 là gần 604 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% dự toán. Thu hút FDI tiếp tục khả quan, tổng vốn đăng ký 8 tháng qua khoảng gần 14,4 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện gần 9,8 tỷ USD. Nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 19,7%. Tình hình sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực.
Theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm nay, nhiều khả năng có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu khó hoàn thành. Thách thức đối với nhiệm vụ kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm là chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP với mức 6,7% như kế hoạch đề ra. Những nguyên nhân cản trở mục tiêu này theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là do hậu quả của thiên tai, băng giá, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ lụt…tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp; sự sụt giảm của dầu thô. Ngoài ra, một chỉ tiêu khác cũng khó hoàn thành mốc tăng trưởng 10% là kim ngạch xuất khẩu do hai nguyên nhân chính gồm: Giảm sản lượng khai thác, xuất khẩu, giá dầu thô thế giới giảm và sư sụt giảm giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Thảo luận tại phiên họp, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; xuất khẩu tăng thấp; tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gây bức xúc cho người dân; diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá còn lớn;…
Những chuyển biến mạnh mẽ Phát biểu kết luận phiên họp thứ 2 của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Chính phủ mới đã khẳng định phương châm hành động; đã biểu thị ý chí phát triển, khát vọng vươn lên thông qua những chỉ tiêu, yêu cầu, hành động cụ thể. Người dân đã nhận thấy những chuyển biến tích cực trong hành động của bộ máy dù không phải là cơ quan nào, cấp nào, ngành nào cũng quyết liệt. Thủ tướng cho rằng, đã đến lúc nhân dân muốn nhìn thấy kết quả cụ thể “nói đi đôi với làm” và làm có kết quả.
Công bố một số chỉ số xếp hạng của Ngân hàng thế giới đối với Việt Nam, Thủ tướng cho biết, chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế; trong đó chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc từ 125 lên 119. Chỉ số tiết kiệm điện năng tăng 22 bậc từ 130 lên 108; chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc từ 36 lên 28. Chỉ số nộp thuế tăng 4 bậc từ 172 lên 168… đây là những điều đáng mừng song bây giờ quan trọng là phải chuyển tinh thần đó thành hành động của các bộ, ngành, các cấp - Thủ tướng chỉ đạo.
Đề nghị các bộ trưởng cần chỉ đạo tập trung hơn, đột phá hơn kể cả giải pháp nhân sự, Thủ tướng chỉ rõ, nếu cán bộ làm không tốt, gây cản trở, không chịu đổi mới, không hướng vào người dân và doanh nghiệp, không được sự hài lòng của người dân thì phải thay đổi.
Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương kiểm tra thường xuyên ở bộ, ngành và địa phương mình việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.
“Chúng ta phải có một khát vọng, quyết tâm cao hơn nữa để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, xóa bỏ mọi rào cản để mọi tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất kinh doanh làm ăn, phát triển tạo ra việc làm, tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh Hà Tĩnh phải làm rõ trách nhiệm của bộ và địa phương trong vụ Formosa, đảm bảo nghiêm túc, công tâm, khách quan và sớm công bố để người dân biết.
Thủ tướng yêu cầu sớm kiểm kê nền kinh tế làm cơ sở để các biện pháp quản lý, điều hành của Chính phủ tập trung, mạnh mẽ hơn để có các kết quả cụ thể.
Liên quan đến chủ trương cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo phải làm công khai, minh bạch, thực hiện trên sàn chứng khoán có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Coi đây là một thử thách với Chính phủ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành bài bản, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, bảo đảm công bằng với nhà đầu tư, tạo niềm tin cho xã hội và đưa việc cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước trở thành có bài bản, nền nếp.
Thủ tướng cũng đồng ý nếu cần thiết có thể bổ sung thành viên VCCI, các chuyên gia, đại hiệp hội doanh nghiệp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra kết quả thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương để đảm bảo khách quan và sẽ tiếp tục làm việc với các bộ và địa phương khác.
Cần những giải pháp đột phá Đánh giá kết quả thu ngân sách, Thủ tướng bày tỏ hài lòng vì các địa phương đều rất quyết tâm trong nhiệm vụ này, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Lưu ý đến những khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong trung và dài hạn; đánh giá đúng thực chất tình hình, bổ sung giải pháp hữu hiệu hơn.
Chính phủ cần nhất quán trong thực hiện chủ trương cải cách, chủ động, linh hoạt điều chỉnh nhưng không thay đổi mục tiêu chính sách để từng bước nâng cao niềm tin vào chính sách cho doanh nghiệp và nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao các bộ, ngành địa phương đang trăn trở, nỗ lực, tìm tòi và áp dụng những quan điểm, phương pháp, tư duy mới trong chỉ đạo, điều hành ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đặc biệt là tư duy lãnh đạo mới của người đứng đầu, tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là những nhân tố tiên quyết cho thành quả kinh tế-xã hội mang tính đột phá toàn diện, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề mang tính then chốt hiện nay là làm sao để phương châm và chỉ đạo của Chính phủ phải được chuyển thành hành động cụ thể tại các cấp, các ngành để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dịch vụ, nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất. Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô để có tăng trưởng dài hạn, kiềm chế tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền là trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tiếp theo.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế trong những tháng còn lại, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ, ngành tập trung xây dựng Nghị định chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo bộ máy hiệu quả, gọn, hiệu lực, chỉ đạo thông suốt, đề cao tinh thần liêm chính, trách nhiệm.
Không hài lòng về kết quả thực hiện giảm biên chế mới đạt trên 25% (trên 10.000 người), Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; giao thêm quyền tự chủ, chống phình bộ máy biên chế.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp. Bộ trưởng Bộ này cần thường xuyên giao ban, làm việc với các bộ trưởng, trưởng ngành khác để chủ động có giải pháp, kịp thời giải quyết từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm sự vận hành đồng bộ, hiệu quả chung của nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020. Tinh thần là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong đó thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực nền kinh tế. Mục tiêu giải pháp phải cụ thể, đo lường được, có thể đánh giá tái cơ cấu thực chất. Cái gì dân và xã hội làm được thì phải để cho xã hội làm; tiếp tục thực hiện chương trình khởi nghiệp, thực hiện một triệu doanh nghiệp đến 2020.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra, xử lý nợ xấu một cách thực chất. Không xử lý dứt điểm vấn đề này thì sẽ tiếp tục xuất hiện nợ xấu mới; không thể giảm được mặt bằng lãi xuất bền vững, cho phép đề xuất các giải pháp đột phá, quyết liệt, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách Nhà nước; đánh giá lại hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế, minh bạch, công khai, giảm chính sách trung gian. Thủ tướng chỉ đạo công khai thông tin nộp thuế doanh nghiệp quy mô lớn trong đó có doanh nghiệp FDI; lập dự toán NSNN khả thi về nguồn lực, không có sự mặc cả giữa địa phương với các bộ, ngành; rà soát định mức chi tiêu sát với thực tế, gắn với đẩy mạnh khoán chi, khắc phục tình trạng “cưa đôi” trong lĩnh vực này.
Thủ tướng yêu cầu cả hai bộ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tránh dồn vào cuối năm., tập trung hoàn thành xây dựng luật sử dụng vốn, tài sản công – một vấn đề nhức nhối, cần chấn chỉnh sớm.
Bộ Công thương cần quyết liệt hơn trong đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp sao cho phấn đấu cao hơn hoặc bằng chỉ 9, 64%; xúc tiến thương mại, tăng trên 10%.
Cho rằng, cơ chế quản lý tài chính công hiện đang làm hư hỏng một bộ phận cán bộ, công chức viên chức, cơ chế tuyển dụng làm mất động lực làm việc, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ phải có giải pháp đột phá trong tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, sa thải công chức viên chức để tạo ra được hệ thống hành chính vì doanh nghiệp, vì nhân dân. Các bộ, ngành và địa phương phải xây dựng đề án tinh giản bộ máy gắn với đề án mô tả công việc và đánh giá kết quả thực thi công vụ và quản lý sử dụng lao động dôi dư; phải có cơ chế đánh giá mức độ hài lòng người dân.
Không đồng tình với cách thức tổ chức công bố thông tin về mức độ an toàn cá biển miền trung như vừa qua, Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức họp báo quốc tế, có văn bản cụ thể vì đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục cải thiện chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, tất cả các ngành, các địa phương sẵn sàng phòng chống lũ lụt và thiên tai.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng rà soát lại toàn bộ phương tiện luyện tập để bảo đảm an toàn cho các quân nhân, đặc biệt các máy bay chiến đấu. Kiểm điểm rõ nghiêm túc nguyên nhân và trách nhiệm của từng vụ việc tai nạn trong huấn luyện vừa qua, ban hành quy trình kiểm tra an toàn mới, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc bảm đảm an toàn cho các chiến sĩ.
Thủ tướng đề nghị tăng cường phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Xử lý, phát hiện, khuyến khích, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, nghiêm trị những kẻ tố cáo sai sự thật. Bên cạnh chống tham nhũng thì thực hiện nghiêm việc chống lãng phí trong hệ thống hành chính nhà nước và toàn xã hội.