Thủ tướng chỉ đạo nhiều vấn đề kinh tế - xã hội

Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các vấn đề liên quan đến việc xây dựng thể chế, kinh tế vĩ mô, an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường...

Trong xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ, hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp thì điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế. Đây cũng là một đột phá trong Chiến lược phát triển KT - XH 2011-2020.

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung làm tốt nhiệm vụ này; trong đó phải tạo được thể chế tốt, thuận lợi với cơ chế chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt, đưa chính sách vào cuộc sống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Văn phòng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát kỹ, xây dựng các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong đó nêu rõ cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện, hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể.

Đề cập đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%. Thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tập trung ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, gây ảnh hưởng đến lạm phát.

Tiếp tục chủ động xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn kế hoạch 2016 và vốn được bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 60. Đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, sử dụng xe công…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực. Các bộ, ngành, địa phương theodõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có các giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết. Tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ đọng xây dựng cơ bản…; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm, ngân hàng đến bờ vực phá sản rồi mới xử lý;...

Tiếp tục bán vốn nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.

Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường diễn ra ở nhiều nơi; Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải kịp thời rà soát; đánh giá, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Về an toàn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương phải tập trung xử lý ngay những vấn đề bức xúc, nhất là về vật tư nông nghiệp giả, sử dụng trái phép hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm chính trên phạm vi địa bàn; tăng cường phối hợp; thông tin truyền thông; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong giám sát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu NSNN, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

“Ngay trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Về thông tin truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Một mặt phải tăng cường cung cấp thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch; mặt khác cần phải tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật về truyền thông, báo chí. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo trong công tác quản lý báo chí, định hướng thông tin; tăng cường kỷ cương về thông tin truyền thông. Các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác cung cấp thông tin, trả lời và phản hồi kiến nghị của nhân dân, báo chí, đặc biệt là những vấn đề nóng, nhạy cảm để định hướng dư luận; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chỉ đạo điều hành năm 2017 để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ mở rộng với các địa phương vào tháng 12/2016. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về một số chủ trương, chính sách lớn tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe báo cáo và thảo luận về: Dự án Luật Đo đạc và bản đồ; Báo cáo về Đề án Đặc khu kinh tế; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Báo cáo việc ký Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (Hiệp định CLV DTA); Báo cáo về kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện tin học hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Báo cáo về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

TTXVN/Tin Tức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ nói phải đi đôi với làm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ nói phải đi đôi với làm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội và sớm bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017; tránh để xảy ra tình trạng tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN