Cùng dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và nước ngoài; các cơ quan đại diện ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam...
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các quy hoạch, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư của Cần Thơ. Hội nghị có các phiên thảo luận về: Phát triển trung tâm dịch vụ; nông nghiệp hiệu quả cao; phát triển khoa học công nghệ. Cuối mỗi phiên thảo luận, lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, tham luận liên quan đến định hướng phát triển trong từng lĩnh vực. Tham gia các phiên thảo luận có lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ và 19 nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với tổng số vốn gần 85.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 8.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành phố Cần Thơ thu hút được nhiều nhà đầu tư không chỉ đối với các dự án sản xuất kinh doanh, mà cả các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
“Một Cần Thơ giàu bản sắc, có khả năng truyền cảm hứng về sức bật và sự vươn lên mạnh mẽ, làm động lực phát triển toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" - là nội dung nhấn mạnh của Thủ tướng tại Hội nghị này.
Theo Thủ tướng, Cần Thơ được cả nước và thế giới công nhận là "Tây Đô" với thương hiệu đã gần 100 năm, cho thấy đây là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội với tầm ảnh hưởng lớn lao không chỉ về phạm vi địa lý của thành phố. Cùng với những đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn, văn hóa, giàu thơ ca, ẩm thực phong phú đặc trưng miền Tây Nam bộ, Cần Thơ có nhiều địa danh du lịch đặc sắc.
Nhìn lại quá trình phát triển và nhiều tiềm năng của thành phố, Thủ tướng gợi ý một hướng đi mới cho Cần Thơ. "Ở nước ta có những thành phố đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một đô thị sông nước, đô thị sinh thái đáng sống. Nói như vậy để các bộ, ngành, các doanh nghiệp và đặc biệt là Cần Thơ cần chuyển mình, thắt chặt chuỗi liên kết, tạo sự lan tỏa toàn Đồng bằng sông Cửu Long" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ cần năng động, có tầm nhìn đổi mới, là đối tác đồng hành đáng tin cậy để doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư tiền bạc, công nghệ và tương lai vào địa phương này.
Chia sẻ về các tiềm năng của Cần Thơ với nhà đầu tư, Thủ tướng đánh giá, đây là nơi hội tụ các loại hình giao thông hiện đại, cũng như truyền thống của đất nước, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp thường xuyên. Đó là yếu tố giúp phát triển ngành lúa gạo, thủy sản và đặc biệt là trái cây. Với những nguồn nguyên liệu phong phú đó, Thủ tướng nhấn mạnh Cần Thơ phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thay vì sản phẩm thô, để tạo giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những giá trị về văn hóa, danh thắng, ngành du lịch, dịch vụ của thành phố có nhiều tiềm năng phát triển. Trong 7 tháng đầu năm 2018, số lượng khách đến Cần Thơ là trên 5,2 triệu lượt và dự kiến hết năm nay sẽ đạt trên 8 triệu lượt, trong đó khách lưu trú sẽ đạt gần 2 triệu người.
Hiện Cần Thơ đã có gần 1,5 triệu dân; tỷ lệ đô thị hóa cao, diện mạo đô thị khác xưa. Thu nhập bình quân của người dân Cần Thơ năm 2018 sẽ lên đến gần 81 triệu đồng/người/năm, sức mua của nền kinh tế thuộc nhóm đứng đầu cả nước... Thành phố có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, phương tiện giao thông hiện đại, các loại hình ăn uống, dịch vụ phát triển... cho thấy đời sống xã hội nhộn nhịp, hối hả hơn, bộ mặt đô thị, đời sống người dân có nhiều tiến bộ.
"Chúng ta vui mừng không chỉ dân số tăng lên nhanh mà chất lượng dân số (60% được đào tạo), cơ cấu lao động trẻ năng động, có khả năng thích nghi nhanh với xu hướng nền kinh tế của xã hội công nghệ. Chúng ta còn vui mừng khi Cần Thơ là trung tâm giáo dục, đào tạo của Đồng bằng sông Cửu Long, có uy tín trong vùng, có tên trong bảng xếp hạng quốc tế" - Thủ tướng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh đó cũng là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn ở thành phố này.
Về hạ tầng giao thông, Cần Thơ sẽ có đột phá nhờ dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, một số hệ thống giao thông huyết mạch khác kết nối trung tâm vùng với Đồng bằng sông Cửu Long. Khi các hệ thống giao thông hoàn thành, đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ giảm xuống còn 90 phút thay vì 180 phút như hiện nay. Bên cạnh đó là các hệ thống đường biển, cảng biển, cảng hàng không, sân bay... kết nối trong nước và quốc tế.
Cùng với các tiện ích cho sản xuất, kinh doanh đó, Thủ tướng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng khác là môi trường kinh doanh như một lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thời gian qua, các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Cần Thơ đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy sự hài hòa môi trường kinh doanh, hiệu quả hành chính công của Cần Thơ và trong tương lai gần, các chỉ số sẽ tiếp tục tăng lên.
Với tất cả những điều kiện, tiềm năng thuận lợi, theo Thủ tướng, câu hỏi cần đặt ra hiện nay với Cần Thơ là việc thu hút nguồn vốn đầu tư. "Nếu không có sự hiện diện của các nhà đầu tư, Cần Thơ không có được thành quả như hôm nay. Và nếu không cùng với các nhà đầu tư hôm nay, thì không đạt được tầm nhìn những thập niên tới. Do đó, vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp, của môi trường sống, môi trường kinh doanh hết sức quan trọng" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền, cùng phấn đấu, cùng hợp tác phát triển đạt được tầm nhìn của Cần Thơ trong thập niên tới.
Thủ tướng nhấn mạnh "một Cần Thơ tiếp tục tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quản lý tốt hơn quy hoạch, đặc biệt tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và phát huy nếp nghĩ nếp làm tốt, đó là một chính quyền đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ nhanh chóng đầu tư ở đây".
Đồng thời, Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn trân trọng những nhà đầu tư chuẩn mực, nhưng cũng kiên quyết loại bỏ các nhà đầu tư trục lợi, lợi dụng lỗ hổng trong quản lý, không tập trung vào phát triển mà trốn thuế, chuyển giá, phá hoại môi trường... Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thực thi pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân cũng như môi trường an ninh, an toàn xã hội...
Thủ tướng cũng lưu ý dư nợ tín dụng của Cần Thơ so với GRDP còn thấp - 75% trong khi cả nước là 135%. Điều này cho thấy tiềm năng cải thiện độ sâu tài chính của Cần Thơ còn rất lớn và dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng nhà nước, cũng như các ngân hàng thương mại tạo mọi điều kiện về vốn đầu tư cho Cần Thơ; đồng thời có giải pháp triệt bỏ nạn tín dụng "đen" đang diễn ra ở một số vùng, trong đó có các hộ nông dân ở vùng sâu vùng xa.
Trên tinh thần đó, quy hoạch của Cần Thơ đến năm 2025 sẽ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên kết quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
"Vị trí này một lần nữa nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ cần phấn đấu, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời lan tỏa tinh thần mới này đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" - Thủ tướng nhấn mạnh.