Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định: Tăng cường việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn, đồng thời, nâng cao hiệu quả và là công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước nói chung và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Khí tượng Thủy văn nói riêng.
Dự thảo "Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng" đề xuất các loại công trình phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đối với quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng như: nội dung quan trắc, vị trí quan trắc, công trình, thiết bị quan trắc; phương pháp quan trắc khí tượng thủy văn; quy định về truyền nhận dữ liệu của các trạm khí tượng thuỷ văn chuyên dùng, trong đó bao gồm các hoạt động quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn quy định tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Thông tư có ý nghĩa quan trọng, nhằm hướng dẫn kỹ thuật, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân có hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng. Các ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn để cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thông tin, tư liệu để bổ sung, hoàn thành dự thảo, đảm bảo Thông tư khi được ban hành có tính khả thi cao, phục vụ thực tiễn cuộc sống. Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện dự thảo trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo quy định.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng Phòng dự báo thủy văn Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhấn mạnh: Trạm Khí tượng thủy văn chuyên dụng có vai trò quan trọng, giúp đảm bảo an toàn các hồ chứa, chủ động trong công tác điều hành, đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong quy trình vận hành liên hồ chứa.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các nội dung trong dự thảo "Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng"; các báo cáo kỹ thuật liên quan đến vấn đề xây dựng dự thảo Thông tư như: Những yêu cầu kỹ thuật về công trình, thiết bị và phương pháp quan trắc; hiện trạng thu nhận thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; vai trò của số liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phục vụ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ thủy điện, thủy lợi, giao thông, du lịch và phát triển kinh tế xã hội; vai trò của các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển nông nghiệp và phát triển xã hội... Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý đến những khó khăn do địa hình trong quá trình lắp đặt mạng lưới quan trắc chuyên dùng.
Thông tư khi được ban hành sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khí tượng thủy văn có đủ điều kiện, tổ chức thực thi pháp luật khí tượng thủy văn một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định về khí tượng thuỷ văn trong nước và thế giới, góp phần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn - lĩnh vực đặc thù là cơ sở dữ liệu đầu vào cho các ngành kinh tế trọng điểm và phục vụ đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dưới sự phối hợp của Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức, thông qua hoạt động của Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nghiên cứu tổng thể và xây dựng dự thảo “Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng".
Luật Khí tượng Thủy văn có hiệu lực từ 1/7/2016. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành 2 Nghị định, 5 Thông tư và trên 20 Thông tư quy định các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế nhằm hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng Thủy văn đã quy định các loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn.
Ngay sau khi Luật Khí tượng Thủy văn và Nghị định 38/2016/NĐ-CP có hiệu lực các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đã lập kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng. Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 400 chủ công trình có tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng phải tổ chức và quan trắc khí tượng thủy văn từ ngày 1/7/2018 theo Nghị định 38. Theo đó, Thông tư nhằm cụ thể hóa các nội dung mang tính quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành, hướng dẫn kỹ thuật, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân hoạt động đúng quy định.