Ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ giải đáp các câu hỏi của báo chí. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, UBND huyện Đắk R’lấp và UBND xã Nhân Cơ, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ cùng các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương.
Theo thông tin cung cấp tại buổi họp báo, trong quá trình vận hành phục vụ chạy thử Nhà máy Alumin Nhân Cơ của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, khi khởi động bơm kiềm thì xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm tại khu chứa kiềm A03. Thời điểm xảy ra vào lúc 8h40 ngày 23/7. Khối lượng kiềm (NaOH) bị chảy ra ngoài nền sân bê tông và nền đất được xác định khoảng 9,58m3. Trong đó có một phần đã được thu hồi trở lại bồn chứa, một phần thẩm thấu xuống nền đất liền kề với diện tích 600m2 và một phần theo nước mưa chảy xuống suối Đắk Yao qua cống xả nước mưa tràn qua nhà máy.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Công ty Nhôm Đắk Nông đã kịp thời khóa đầu van vào của bơm không cho kiềm thoát ra ngoài, sau 4 phút nguồn kiềm được khống chế hoàn toàn. Công ty cũng thực hiện ngay biện pháp khắc phục khác như cách ly khu vực sự cố, thu hồi hóa chất chảy ra ngoài, dùng axít HCl trung hòa độ kiềm trên bề mặt, đào múc đất bị hóa chất đổ vào hồ chứa bùn đỏ… và tìm hiểu nguyên nhân sự cố.
Sự cố hóa chất xảy ra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ trùng hợp với thời điểm người dân phản ánh thông tin cá chết bất thường, người bị phồng rộp sau khi sử dụng nguồn nước ở suối Đắk Yao. Điều này làm dư luận “nóng” lên và đặt câu hỏi có phải sự cố trên ảnh hưởng tới dòng suối?
Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin sự cố, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương các cấp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Nhôm Đắk Nông thực hiện kiểm tra, xử lý. Theo đó, vào ngày 24 - 25 và 29/7, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Tổ giám sát môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thực hiện ngay việc quan trắc, lấy mẫu đất và nước để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố đối với môi trường lân cận (dọc suối Đắk Yao, khu đất bị ngấm kiềm, mẫu nước giếng của một số hộ dân). Kết quả kiểm tra, phân tích 12 mẫu đất và nước ở các khu vực nói trên thì độ pH đều nằm trong quy chuẩn Việt Nam cho phép (5,5 đến 9 QCVN 08:1015/BTNMT). Chỉ có hàm lượng sắt (Fe) và Crôm (Cr6+) ở một số mẫu cao hơn giới hạn một chút. Nguyên nhân là do đặc điểm địa hình, thời tiết tại 1 số khu vực xảy ra hiện tượng xói mòn, rửa trôi… Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực cũng đều nằm trong giới hạn quy chuẩn quốc gia. Quan sát về môi trường dọc suối Đắk Yao đến nay không thấy hiện tượng bất thường nào xảy ra đối với cây cối và sinh vật trong khu vực bị ảnh hưởng. Hiện nay, việc quan trắc, lấy mẫu phân tích, đánh giá vẫn đang được tiếp tục theo dõi.
Do vậy, chưa thể khẳng định chắc chắn việc cá chết có liên quan đến sự cố tràn hóa chất tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Nguồn nước ở suối Đắk Yao vẫn đảm bảo an toàn cho sản xuất, sinh hoạt. “Tuy nhiên, việc một phần hoá chất tràn ra suối Đắk Yao là có, nhưng mức độ ảnh hưởng tới đâu, hệ quả như thế nào, phải xử lý và hỗ trợ (nếu có) ra sao… thì phải đợi kết quả cuối cùng từ phía cơ quan có chuyên môn”, ông Lộc nói.
Về tình hình sức khỏe 13 người dân (10 trẻ nhỏ, 3 người lớn) bị dị ứng, phồng rộp sau khi sử dụng nước suối Đắk Yao, đại diện Sở Y tế Đắk Nông cho biết, bước đầu xác định các trường hợp trên bị viêm da do dị ứng . Hầu hết các trường hợp đã khôi phục sức khỏe hoàn toàn, không phát hiện thêm trường hợp nào bị dị ứng như trước đó. Sở Y tế Đắk Nông đã giao cho Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đắk R’lấp và Trạm y tế xã Nhân Cơ theo dõi tư vấn, điều trị. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên các đối tượng trên.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Công ty Nhôm Đắk Nông khẳng định sẽ không để sự cố như trên xảy ra một lần nữa.