Cá chết, người bị viêm da khi tắm suối ở xã Nhân Cơ

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, suối Đắk Dao (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp) bị ô nhiễm làm cá chết và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân có thể có liên quan đến sự cố hóa chất xảy ra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Theo ông Lộc, người dân phản ánh thông tin cá chết bất thường, người bị phồng rộp sau khi sử dụng nguồn nước ở suối Đắk Dao trùng hợp với thời điểm sau khi xảy sự cố hóa chất xảy ra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong quá trình vận hành chạy thử hệ thống cấp kiềm cho các công đoạn chế biến Alumin xảy ra vào ngày 23/7. Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 23/7, nhân viên vận hành khu chứa kiềm (AO3) khởi động bơm kiềm S002b thì cổ ống đẩy của máy bơm bị vỡ làm một lượng kiềm bị chảy ra từ bồn AO3-YHS001b ra ngoài theo đường ống này. Sự cố này sau đó được nhà máy xử lý bằng cách cô đặc khóa van đầu vào bơm không cho kiềm thất thoát ra ngoài. Đồng thời tiến hành nhiều biện pháp xử lý nhằm thu hồi, trung hòa lượng kiềm thoát ra ngoài; kiểm tra độ pH tại các điểm xả ra ngoài nhà máy dọc theo suối Đắk Dao… Sau đó nhà máy đã thông báo về việc xảy ra sự cố cho UBND tỉnh Đắk Nông và chủ đầu tư dự án Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam để phối hợp xử lý sự cố.

Theo kết quả làm việc, kiểm tra của Tổ giám sát thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông thì sự cố này đã làm thất thoát ra ngoài môi trường 9,58 m3 kiềm (xút), trong đó một phần thẩm thấu xuống đất, một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy ra ra suối Đắk Dao qua cửa số 03 về phía hạ du. Khi kiểm tra thực tế tại suối Đắk Dao về phía hạ du cách cửa xả số 03 khoảng 1,5 km, phát hiện 4 con cá chết. Kết quả kiểm tra nhanh độ pH các mẫu đất và mẫu nước được lấy từ khu vực ảnh hưởng vào các ngày 24 và 25/7 đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia (tức là nằm trong khoảng độ pH từ 5,5 đến 9).

“Nếu sự cố trên là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường tại suối Đắk Dao thì đơn vị gây ra phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường tổn thất, chăm sóc y tế cho bà con. Tuy nhiên, để khẳng định việc cái chết và người bị phồng rộp khi tắm tại suối Đắk Dao có phải do nguyên nhân kiềm từ nhà máy chảy ra suối hay không thì còn phải chờ vào các chỉ số khác mà Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đang gửi đi giám định”, ông Lộc cho hay.

Ông Lộc cũng cho biết, sau khi xác định nguyên nhân sự cố, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu nhà máy lắp đặt hệ thống camera tại khu vực A03 và kết nối với phòng điều khiển trung tâm của phân xưởng Cô đặc - Hiệu chỉnh dung dịch để theo dõi giám sát 24/24 giờ khu vực này. Đồng thời, trong những ngày tiếp theo, nhà máy phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp theo dõi môi trường nước tại suối Đắk Dao. Trường hợp nếu vẫn còn cá chết, phải thu gom, xử lý đúng quy định không để người dân sử dụng. Tiếp tục theo dõi độ pH tại khu vực đất nhiễm kiềm gần khu vực chứa kiềm lỏng (A03) và tuyến suối hạ du cửa xả số 03 và các cửa xả khác…

Trước đó, nhiều hộ dân tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông hoang mang, lo lắng khi phát hiện nguồn nước suối Đắk Dao chảy qua địa bàn xã vài ngày qua có nhiều dấu hiệu bất thường làm cá chết, người bị viêm da, phồng rộp khi tắm rửa. Dòng suối này chảy vòng quanh một số khu vực của Khu công nghiệp Nhân Cơ và một số cống nước thải của các nhà máy trong Khu công nghiệp cũng xả trực tiếp xuống suối. Nhiều hộ dân nghi ngờ nước thải từ Khu công nghiệp là nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước suối Đắk Dao và gây nên tình trạng như trên. Liên quan đến vụ việc này, Ban Quản lý dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ lại phủ nhận việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Anh Dũng - Hưng Thịnh
Vụ suối Đắk Dao ô nhiễm: Có thể liên quan Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Vụ suối Đắk Dao ô nhiễm: Có thể liên quan Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Hiện trường cá chết bất thường, người tắm bị phồng rộp sau khi sử dụng nước ở suối Đắk Dao xảy ra trùng thời điểm sự cố hóa chất tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN