Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 21/11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 75,7% đại biểu có mặt tán thành. Luật gồm 4 chương, 27 điều quy định vị trí, vai trò của thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Theo đó, luật quy định biểu tượng thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Về quy hoạch thủ đô, luật quy định việc xây dựng và phát triển thủ đô phải theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, phải bảo đảm xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng thủ đô và cả nước.
Luật cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
Những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Luật cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực: Văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, luật bỏ nội dung quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu phí cụ thể thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Cũng trong chiều 21/11, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống khủng bố.
Đa số các đại biểu đều tán thành với tên gọi và sự cần thiết ban hành dự án Luật Phòng, chống khủng bố nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng, chống khủng bố phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố mà không để phương hại đến lợi ích quốc gia.
Về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố, đa số các đại biểu cho rằng dự thảo luật quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố là quá lớn. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng người chỉ huy phòng, chống khủng bố là người tổ chức chỉ huy trực tiếp thi hành chống khủng bố do đó thẩm quyền của người chỉ huy phải phù hợp. Quy định trong luật là rộng, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ tạo ra sơ hở, dẫn đến lạm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị cần xác định rõ ai là người chỉ huy phòng, chống khủng bố trong luật và mối quan hệ của người chỉ huy phòng, chống khủng bố các bộ, ngành, địa phương với ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, để tránh lạm dụng quyền hạn của người chỉ huy, dự án luật cần quy định người chỉ huy phòng, chống khủng bố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình.
Đối với quy định về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo về phòng, chống khủng bố sẽ tạo ra sự chồng chéo, nên giao cho các đơn vị chủ lực sẵn có, củng cố lực lượng để thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, nên giao nhiệm vụ phòng chống khủng bố cho một số đơn vị như quân đội, an ninh, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm... Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại các điểm tại điều 10, 11, 12 để bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã được pháp luật quy định.
Xung quanh quy định về ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố, đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) tán thành với việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tại Trung ương, một số bộ, ngành ở Trung ương và tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, vì như vậy mới có thể chỉ đạo một cách thường xuyên, liên tục kể cả những trường hợp đột xuất, bất ngờ. Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, nên quy định ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, thành phố ngay trong luật là cần thiết, tránh tình trạng khi cần thiết mới thành lập...
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về biện pháp phòng ngừa khủng bố; biện pháp chống khủng bố; hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố...
*Cũng trong sáng qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đây là nội dung đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ trong ngày làm việc 8/11 vừa qua.
Các ý kiến tại buổi thảo luận đề nghị luật này cần phải luật hóa các văn bản liên quan đến phòng, chống thiên tai (Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn…) chứ không chỉ luật hóa Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão. Nhiều ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc “Nhà nước phải có trách nhiệm chính trong phòng, chống thiên tai”; nên quy định việc bảo đảm tính mạng của người dân là nguyên tắc hàng đầu. Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị bổ sung chính sách đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai để có thể huy động được nguồn lực cho công tác này; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đầu tư ở vùng có thiên tai; đảm bảo thông tin cảnh báo kịp thời cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật nên quy định lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; làm rõ thế nào là “lực lượng chuyên nghiệp”, “bán chuyên nghiệp” để thuận tiện cho việc huy động, sử dụng lực lượng này và tiến tới phải có một lực lượng chủ lực, chuyên nghiệp và mạnh.
Phúc Hằng - Quang Vũ