Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh: Bài 2 - Cơ hội cho phát triển nhanh và bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 54, TP Hồ Chí Minh triển khai các đề án thu phí tạm thời lòng lề đường, phí môi trường, chuyển đổi đất nông nghiệp… để tạo nguồn thu từ hạ tầng, cơ sở vật chất hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, không phải đề án nào cũng thực hiện “trơn tru”, hiệu quả như kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm thu phí đỗ xe dưới lòng đường từ ngày 1/8 đến nay nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Ảnh: Nguyễn Hoàng/Báo Tin tức

Hiệu quả bước đầu

Từ tháng 8/2018, TP Hồ Chí Minh triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường tại 23 tuyến đường trên địa bàn Quận 1, Quận 5 và Quận 10. Tùy theo loại phương tiện, mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe tối thiểu từ 20.000 đồng/xe/giờ (khu vực Quận 10) và 25.000 đồng/giờ/xe (khu vực Quận 1, Quận 5). Mức thu này tăng cao và tính theo lũy kế giờ, khác hẳn so với trước đây là 5.000 đồng/lượt (không giới hạn thời gian).

Sau giai đoạn đầu triển khai, Đề án đã đạt được mục tiêu hạn chế xe ô tô đỗ trên lòng đường. Tại một số tuyến đường có thu phí, tình trạng đỗ xe kéo dài như trước đây đã giảm rõ rệt như đường Thủ Khoa Huân, Huyền Trân Công Chúa… Thậm chí tại tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (Quận 1), vốn trước đây có rất nhiều xe ô tô dừng đỗ nhưng hiện nay chỗ trống khá nhiều.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh), tình hình giao thông tại 23 tuyến đường cơ bản thông thoáng so với trước khi triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ bắt đầu thay đổi thói quen của người sử dụng phương tiện giao thông.

Dù vậy, việc triển khai Đề án còn gặp một số hạn chế, vướng mắc, trong đó dự trù kinh phí thu được so với Đề án khi xây dựng trình HĐND thành phố chưa đạt. Cụ thể, trong tháng đầu thực hiện chỉ thu được trung bình 11 triệu đồng/ngày, so với dự kiến khi xây dựng đề án chỉ đạt 3% mức thu. Cũng chính điều này dẫn tới vấn đề nhiều người dân quan tâm đó là tình trạng thất thoát nguồn thu ảnh hưởng đến thu ngân sách thành phố.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là lần đầu tiên thành phố ứng dụng công nghệ, thu phí tự động nên còn những hạn chế, vướng mắc. Mục tiêu thu phí tập trung kiểm soát, giảm bớt nhu cầu lưu thông về khu vực trung tâm và có thêm nguồn để duy tu hệ thống công trình. Hiện nay, tại 23 tuyến đường thí điểm ở ba quận đã lắp được 261 camera giám sát. Tuy nhiên, việc giám sát việc người dân tự nguyện thanh toán còn khó khăn. Sau 4 tháng triển khai đề án, số tiền thu được thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%.

Hiện nay, cùng với phí đậu xe khu vực trung tâm, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành phí bảo vệ môi trường; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ; thông qua nhiều dự án nhóm A. Trong đó, việc điều chỉnh mức tăng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn, áp dụng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm, áp dụng mức thu phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm, bước đầu có hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, việc triển khai điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn nữa việc sử dụng nước sạch, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường. Trong khi đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên 23 tuyến đường thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng đường, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ.

Nhiều dự án triển khai nhanh hơn

Với Nghị quyết số 54, TP Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm thuận lợi. HĐND thành phố đã thông qua các dự án nhóm A quan trọng như về chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thành phố với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.508 tỷ đồng. Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, 2 khán phòng và được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), thực hiện trong giai đoạn năm 2018 - 2022.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ có Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa. Các nhà hát được xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp và không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, thành phố đặt mục tiêu xây dựng một công trình văn hóa văn nghệ chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước và là một trong những công trình thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định vị thế của thành phố.

Trước đó, thành phố cũng đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án nhóm A là “Xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ”, Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; với tổng mức vốn đầu tư hơn 9.495 tỷ đồng. Thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố, trong đó có 28 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với việc trình các cơ quan Trung ương thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Đảng bộ thành phố xác định đây là thời cơ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thi đua nước rút phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Bởi lẽ, cái thành phố vướng lâu nay là cơ chế hoạt động của thành phố thể hiện đặc thù quy mô lớn, năng lực và trách nhiệm cao hiện đã có Nghị quyết số 54 của Quốc hội giải quyết, như cơ chế cho thành phố được tự quyết, vấn đề ủy quyền, quyền được quyết định dự án nhóm A không phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, trong thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của thành phố, hoàn thành thu ngân sách nhà nước, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương trên địa bàn để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách; từ đó có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố.

Bài 3: Thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh

Tiến Lực - Thu Hoài (TTXVN)
Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực
Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực

Cuối năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chủ trương giúp Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở triển khai các đề án, chính sách đặc thù để phát triển nhanh và bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN