Thành phố đã chủ động, nhanh chóng xây dựng và triển khai nhiều đề án nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để các đề án đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao còn nhiều vấn đề phải giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp.
Với đặc thù là đô thị lớn, dân số đông, Thành phố Hồ Chí Minh chịu rất nhiều áp lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mỗi cán bộ công chức, viên chức thành phố luôn làm công việc cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước song thu nhập lại không có sự khác biệt. Với Nghị quyết số 54, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cũng như đề án thu hút nhân tài phục vụ phát triển thành phố.
Tạo động lực làm việc
Một trong những đề án quan trọng góp phần tạo động lực cho cán bộ thành phố làm việc là Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Mức chi trả thu nhập tăng thêm với hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018 - 2020 theo lộ trình từng năm, dựa trên kết quả làm việc.
Tại Hội nghị triển khai Đề án ủy quyền và thu nhập tăng thêm, tổ chức tháng 11/2018, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thu nhập tăng thêm thực chất là nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2018 - 2020. Mức điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa mức 1,2 lần; và năm 2020 sẽ ở mức 1,8 lần. Năm 2018, dự toán ngân sách cho chi thu nhập tăng thêm của thành phố là 3.200 tỷ đồng, năm 2019 đã dự toán được hơn 7.200 tỷ đồng.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua tiêu chí đánh giá cũng như triển khai các bước để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc chi thu nhập tăng thêm chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước do thành phố quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được hưởng hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 80% so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy (cán bộ không chuyên trách công tác giảm nghèo Phường 5, Quận 3) bày tỏ sự phấn khởi với chính sách hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, với mức lương hiện tại của một cán bộ không chuyên trách như chị, rất chật vật để trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình. Chính sách hỗ trợ tăng thu nhập giúp cán bộ, công chức, viên chức giảm bớt áp lực tài chính để có thể yên tâm làm việc và cống hiến.
Bà Đậu Thị Quỳnh Liên, Phó Chủ tịch UBND Phường 5 (Quận 3) cho biết: Quận đã triển khai, hướng dẫn các phường thực hiện đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức để làm căn cứ chi thu nhập tăng thêm. Hiện phường đã thực hiện xong việc đánh giá quý II, quý III/2018 và gửi kết quả về Phòng Nội vụ, chờ HĐND quận phê duyệt để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá dựa trên bộ tiêu chí có điểm số cụ thể.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, hiện mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phục vụ 700 người dân, còn trung bình cả nước chỉ phục vụ khoảng 350 người dân. Năng suất lao động của thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động của cả nước, công chức thành phố phục vụ gấp 2 lần so với mức trung bình công chức của cả nước, việc áp dụng thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức thành phố làm việc tốt hơn, phát huy sáng tạo, góp phần đem đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định.
Tạo cơ chế thu hút nhân tài
Cùng với chính sách tạo động lực phát huy năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua các chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và tài năng đặc biệt phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong giai đoạn hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng đô thị thông minh và Khu đô thị sáng tạo phía Đông, việc có chính sách tốt sẽ góp phần quan trọng để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, việc có cơ chế trả lương đặc biệt để thu hút người tài lẽ ra phải làm từ lâu, không cần chờ Nghị quyết số 54. Thành phố có thể triển khai thực hiện nội dung này theo hướng tất cả các ngành, lĩnh vực (đặc biệt là lĩnh vực khoa học, lĩnh vực giáo dục), phải liên kết được nhu cầu, loại chuyên gia… như chuyên gia hưởng lương thường xuyên hay theo hợp đồng, dự án, lương theo đặt hàng. Có thể áp dụng ngay cơ chế này vào trong Đề án đô thị thông minh như thuê đội ngũ tư vấn, chiến lược cao cấp, chuyên gia hàng đầu của thế giới…
Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang áp dụng một số chính sách thu hút đặc thù để thu hút nhân tài như Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học với mức thù lao chi trả cho mỗi chuyên gia theo thỏa thuận, không quá 150 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các chính sách này chưa đạt được kết quả đột phá như mong muốn.
Trong giai đoạn 2014 - 2017, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thu hút được 15 chuyên gia (5 chuyên gia người nước ngoài; 2 người Việt Nam và 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài); đến nay chỉ còn lại khoảng 10 trường hợp đang tiếp tục công tác. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dù đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, đặc biệt là thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có uy tín ở các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, trường đại học nước ngoài.
Chính vì vậy, trên cơ sở Nghị quyết số 54, thành phố đã xây dựng chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tháng 3/2018, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thôngminh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại… Các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được hưởng mức trợ cấp ban đầu tối đa 100 triệu đồng, tiền lương được tính theo hệ số bảng lương chuyên gia cao cấp Nghị định 204 của Chính phủ cùng nhiều chế độ thưởng khác.
Vừa qua, HĐND thành phố tiếp tục thông qua chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu, mức hỗ trợ ban đầu là 50 triệu đồng (chỉ áp dụng một lần), hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng từ 20 - 50 triệu đồng (đã bao gồm tiền lương hàng tháng và các khoản phụ cấp theo lương). Đồng thời, người có tài năng cũng được hưởng mức thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách chi trả cho công trình, đề tài, sản phẩm nghiên cứu được phê duyệt, công nhận; xem xét bố trí nhà ở công vụ cùng nhiều chính sách khác.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học thông qua tháng 3/2018, đến nay chưa thu hút được chuyên gia, nhà khoa học nào để phục vụ cho sự phát triển của thành phố, do đó chưa có cơ sở để đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, thành phố xác định đội ngũ nhân tài khi được thu hút, trọng dụng sẽ phát huy vai trò tiên phong, tiêu biểu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có hàm lượng giá trị cao; đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng chính sách và tăng hiệu quả công tác quản lý nhà nước của thành phố.