Tập trung giải quyết vụ việc Thủ Thiêm
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, từ trong tháng 4 và 5, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tập hợp tất cả các khiếu nại của người dân báo cáo Thường vụ Quốc hội, đồng thời phối hợp với Thanh tra Chính phủ để hoàn thiện kết luận thanh tra về vụ việc khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đến đầu tháng 9 Thanh tra Chính phủ đã có thông báo số 1483 về giải quyết một số vấn đề người dân khiếu nại tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khi đó, Thường vụ Thành ủy đã họp khoảng 10 phiên chỉ để bàn bạc, giải quyết vấn đề Thủ Thiêm với mục tiêu để bà con Thủ Thiêm yên tâm, ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có 22 năm, kể từ khi được Thủ tướng phê duyệt năm 1996 nên khó có thể giải quyết nhanh được, vậy nên thành phố đã tập trung bàn bạc định hướng từ trước khi Thanh tra Chính phủ có kết luận và ngay sau khi có kết luận thì phải bắt tay vào giải quyết ngay. Ngoài ra, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, thành phố đã có 3 cuộc làm việc với các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND thành phố qua 5 nhiệm kỳ để làm rõ trách nhiệm, cái gì đúng, cái gì sai và lần làm việc mới nhất là vào hôm chủ nhật (2/12). Ban cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo đúng yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Để giải quyết khó khăn về nơi ở cho bà con Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khoảng tháng 9, khảo sát thấy bà con ở khu tạm cư nhiều năm, điều kiện sống khó khăn, nên thành phố cũng thống nhất chủ trương mời bà con vào ở tạm trong các khu tái định cư, để cuộc sống tốt hơn. Mặt khác, thành phố cũng thống nhất chủ trương liên quan đến khu 4,3 ha không nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong khi chờ xác định ranh, hiện đã xác định được 321 hộ dân trong khu vực này.
"Nếu hộ dân nào rời khỏi đây, mà giờ nhà ở khó khăn, thì quận 2 ngay lập tức mời vào ở khu tái định cư. Những ngày qua có một một vài bà con muốn trở về chỗ cũ, dựng lều ở tạm, nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ. Chính sách cụ thể đền bù bao nhiêu phải có quy trình và thành phố đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho bà con. Hy vọng, thông qua kì họp HĐND lần này, các đại biểu sẽ tìm ra được những giải pháp căn cơ và những chính sách bồi thường phù hợp để bà con Thủ Thiêm được ổn định cuộc sống", ông Nhân cho biết thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề khu đô thị Thủ Thiêm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, khi nắm tình hình dư luận về việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đa số bà con kỳ vọng vào sự thịnh vượng và phát triển mới của thành phố. Hiện nay, dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên 99%, thành phố đã và đang rất nỗ lực, về cơ bản đã hình thành nên khu đô thị mới. Tuy nhiên, khi nhắc đến Thủ Thiêm, cử tri và nhân dân thành phố vẫn còn nhiều bức xúc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Theo Bà Tô Thị Bích Châu, cử tri và nhân dân thành phố hoan nghênh lãnh đạo thành phố đã tổ chức các cuộc tiếp xúc, lắng nghe thấu đáo các vấn đề liên quan đến khiếu kiện của những người dân bị ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp. Vì đây là vấn đề nhạy cảm, gây bức xúc trong dư luận nên các chính sách giải quyết cụ thể cần được công khai, cụ thể, ưu tiên giải quyết các vấn đề của người dân lên hàng đầu. Đặc biệt, cử tri và nhân dân mong muốn lãnh đạo thành phố xử lý nghiêm thấu tình đạt lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng cao
Trong buổi làm việc đầu tiên, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, năm nay kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn ước tăng 8,3%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra (cùng kỳ tăng 8,25%). Đặc biệt, tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 35% so với GRDP. Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã giao tổng kế hoạch đầu tư công là 34.375 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 30.668 tỷ đồng. Nguồn vốn này được bố trí tập trung xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, qua đó đã tác động sâu sắc đến rất nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, nhiều công trình, dự án được đầu tư đã kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận chất lượng tăng trưởng kinh tế dù đạt chỉ tiêu nhưng còn nhiều thách thức với những điều kiện về nguồn lực, nguồn vốn đầu tư... Đối với 7 chương trình đột phá chưa tạo được kết quả nổi bật, có chương trình chậm tiến độ, có nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 nếu không có những biện pháp, giải pháp quyết liệt hơn. Cải cách thủ tục hành chính chưa chuyển biến nhiều, doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện trong thực thi công vụ còn hạn chế, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.
Trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện 20 chỉ tiêu, trong đó nổi bật là dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,3%-8,5%; thành lập mới 46.200 doanh nghiệp. Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,7%/năm. Đối với cải cách hành chính, thành phố sẽ phấn đấu nâng điểm Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào nhóm các tỉnh thành dẫn đầu, phấn đấu đạt Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) vào nhóm 10 tỉnh thành có điểm cao nhất và phấn đấu nâng điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
"Để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước qua phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước; tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh..", ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.