Dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; lãnh đạo các ban, bộ ngành; lãnh đạo các thành phố trong cả nước; lãnh đạo tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những thành tựu to lớn và sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku đã nỗ lực phấn đấu đạt được những năm qua.
Phó Thủ tướng đánh giá, trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, thành phố Pleiku đã tập trung khai thác lợi thế của mình, ra sức phát huy các nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từng bước đáp ứng các tiêu chí của một đô thị văn minh hiện đại.
Từ một thị xã hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, kinh tế có điểm xuất phát thấp, thành phố Pleiku hôm nay đã trở thành một thành phố trẻ năng động và giàu tiềm năng phát triển. Kinh tế của thành phố duy trì sự phát triển với tốc độ khá cao và ổn định, tăng trưởng GDP bình quân hơn 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 61 triệu đồng/người/năm, bằng 1,55 lần so với cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân trên 11%/năm, trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng. Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được phân bổ hợp lý và phát huy được hiệu quả. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả ấn tượng. Bộ mặt nông thôn thay đổi khá toàn diện, tốc độ đô thị hóa nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là sự kiện quan trọng, là dấu mốc rất ý nghĩa để thành phố Pleiku đánh giá toàn diện quá trình phát triển đô thị, xác định vị thế trong quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, từ đó định hướng mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị Pleiku bền vững và giàu bản sắc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý thành phố Pleiku cần phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đó là lòng yêu nước, là tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo; phấn đấu tìm ra những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Pleiku xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị của cả tỉnh.
Với vai trò là trung tâm động lực thúc đẩy cho quá trình phát triển của tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố Pleiku cần bám sát định hướng phát triển của tỉnh, tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình kinh tế trọng điểm đã đề ra, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển; chú trọng công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, quan tâm phát triển đúng định hướng cơ cấu kinh tế: thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp; chăm sóc sức khỏe cho người dân; xây dựng theo quy hoạch và tầm nhìn phát triển cho tương lai Pleiku trở thành một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên.
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của tỉnh Gia Lai, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Thành phố nằm trên trục giao thông kết nối giữa Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, đường Hồ Chí Minh thông suốt cả nước và dẫn đến ngã ba Đông Dương, tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia.
Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố Pleiku đã đón nhận những thời cơ, vận hội mới, vươn lên phát triển mạnh mẽ. Hiện tốc độ phát triển kinh tế nhanh, giá trị sản xuất (theo giá năm 2010) ước đạt 10,82%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ chiếm gần 51%; công nghiệp hơn 44%; nông nghiệp gần 5%. Thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 12,47%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gấp 10 lần so với năm 2007. Các dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, tư vấn...tiếp tục được mở rộng về quy mô, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu hiện đại của xã hội.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách người có công và công tác giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, nhất là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2018, thành phố Pleiku chỉ còn 436 hộ nghèo (chiếm 0,82%), 556 hộ cận nghèo (chiếm 1,05%); trong đó 217 hộ nghèo là dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo là 213 hộ.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và cộng đồng chung tay xây dựng, từng bước đổi mới diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 đến nay, thành phố Pleiku đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng hơn 250 km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ 100% đường trục xã, liên xã được bê tông, nhựa hóa; tỷ lệ đường trục thôn, làng được bê tông đạt hơn 90%; tỷ lệ đường ngõ xóm cứng hóa đạt hơn 76%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi đạt 83%.
Về thủy lợi, bằng các nguồn vốn, thành phố đã đầu tư, nâng cấp được 39 km kênh mương và cải tạo nâng cấp 2 hồ, 3 đập. Hệ thống thủy lợi phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu khoảng 92%. Mạng lưới điện nông thôn trên địa bàn thành phố hiện đã hình thành hơn 166 km đường dây trung thế; 276 km đường dây hạ thế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật với 268 trạm biến áp và 87 km đường điện chiếu sáng trên các tuyến đường của các xã...
Cùng với đó, thành phố Pleiku đã triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên hướng đến xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.