Trung tâm do ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chỉ huy trưởng. Trụ sở làm việc của Trung tâm Chỉ huy đặt tại Trụ sở Cơ quan UBND tỉnh Thanh Hóa, số 35 Đại lộ Lê Lợi, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm sẽ tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh… để xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp nhận các thông tin khẩn cấp, các vấn đề phát sinh về tình hình dịch bệnh và các vấn đề khác liên quan trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo xử lý kịp thời hoặc báo cáo, đề xuất tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai các biện pháp, giải quyết quyết liệt, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 không để dịch bệnh lây lan. Trung tâm cũng nắm bắt, tiếp nhận ý kiến phản ánh, khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc tham mưu đề xuất, chỉ đạo triển khai các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến 18 giờ ngày 3/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 15 ca mắc COVID-19. Các ca mắc này đều ghi nhận trong khu cách ly và khu phong tỏa. Như vậy, tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 372 ca dương tính; hiện có 240 bệnh nhân dương tính đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.
Quảng Ngãi: Thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch đặc thù
Ngày 3/9, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong số các ca vừa ghi nhận có 14 ca được phát hiện trong khu vực phong tỏa ở xã Nghĩa An (thành phố Quảng Ngãi), được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc; 7 ca là nhân viên Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi đã được cách ly tập trung và 2 ca là F1 của nhân viên Chi nhánh Công ty Hoya Lens tại Quảng Ngãi đã được ghi nhận mắc COVID-19 những ngày trước. Đặc biệt, có 1 ca ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (Quảng Ngãi), làm nghề phụ xe chở hàng rau sạch từ thôn 6, xã Nghĩa Dũng, ra bán ở tỉnh Quảng Nam. Khi trở về Quảng Ngãi đến chốt kiểm tra y tế Dốc Sỏi (Bình Sơn), người này được lấy mẫu xét nghiệm; kết quả test nhanh và Realtime-PCR đều khẳng định bệnh nhân đã dương tính với SARS-CoV-2.
Dịch COVID-19 tại Quảng Ngãi đang diễn biến hết sức phức tạp. Để phòng, chống dịch, sáng 28/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định hỏa tốc về việc thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi, tương ứng mức “nguy cơ rất cao” và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 14 ngày kể từ 12 giờ ngày 28/8/2021.
Riêng đối với xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, từ ngày 2/9, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi đã ký Quyết định số 5295/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp phong tỏa có thời hạn đối với toàn bộ xã Nghĩa An để phòng, chống dịch COVID-19, gồm 4.700 hộ dân với hơn 19.000 nhân khẩu, thời gian thực hiện tối thiểu 14 ngày kể từ 12 giờ ngày 2/9/2021 đến khi có thông báo mới.
Trong thời gian áp dụng phong tỏa, cách ly y tế, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi yêu cầu thực hiện triệt để nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” “ai ở đâu thì ở đó” “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà”, tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ xung quanh. Trước nhà để bàn đựng vật phẩm “đi chợ thay” hoặc tiếp tế; dưới bàn là chỗ để rác thải sinh hoạt để cơ quan chức năng thu gom theo quy định. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà trong trường hợp cấp cứu, thiên tai, hỏa hoạn, thi hành công vụ hoặc theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Đối với việc giao, nhận hàng bưu chính, chuyển phát hàng hóa thiết yếu; có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm, người dân tại các khu vực này liên hệ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Nghĩa An để có biện pháp đưa đến từng hộ, người dân không tự ra ngoài nhận trực tiếp.
Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu vực phong tỏa, tạm dừng hoạt động; phải triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở... Trường hợp bố trí lãnh đạo, nhân viên trực thì phải bảo đảm nguyên tắc “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K...
Tiền Giang phát huy hiệu quả kế hoạch tầm soát diện rộng giai đoạn 2
Ngày 3/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh, nhằm đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn và triển khai các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang, tổng số người mắc COVID-19 trên địa bàn đến chiều 2/9 là 10.864 ca; trong đó đã điều trị khỏi trên 5.600 ca; tử vong 252 ca; đang điều trị trên 4.800 ca. Ngoài ra, các cơ sở cách ly tập trung đang cách ly trên 1.800 trường hợp F1 và theo dõi sức khoẻ y tế cách ly tại nhà là 1.085 trường hợp F1.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các ổ dịch cộng đồng tương đối phức tạp tại một số địa phương, trong đó điểm nóng là ổ dịch tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông; ổ dịch tại xã Đông Hòa, huyện Châu Thành và ổ dịch tại chợ An Hữu, huyện Cái Bè. Trong đó, 2 ổ dịch cộng đồng tại huyện Châu Thành và huyện Cái Bè liên quan đến tài xế vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.
Theo báo cáo, đến thời điểm này các địa phương đã hoàn tất giai đoạn 1 kế hoạch tầm soát diện rộng mầm bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Trong giai đoạn 1, toàn tỉnh thực hiện 459.168 mẫu gộp test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, qua đó phát hiện 1.256 mẫu gộp dương tính. Các đội lấy mẫu đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đối với những người liên quan đến mẫu gộp dương tính và phát hiện 1.553 F0. Hiện tại, các địa phương đang thực hiện tầm soát giai đoạn 2, từ ngày 28/8 đến ngày 1/9 đã có 85.118 mẫu gộp test nhanh được thực hiện, qua đó phát hiện 218 F0.
Với mục tiêu đề ra là kiểm soát dịch COVID-19 từ nay đến ngày 15/9/2021, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đề nghị các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy, đồng thời các tiểu ban cần xây dựng quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm từng ngành, từng thành viên cho rõ và cụ thể; lực lượng phòng, chống dịch phải đảm bảo túc trực 24/24 h.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tưởng Chính phủ, trong đó tiếp tục siết chặt hoạt động tại các chốt và tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát nhắc nhở xử phạt. Đối với các khu phong tỏa, cần chú ý sự di chuyển của người dân, nhất là đối với các khu vực trên địa bàn Thành phố Mỹ Tho. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang tham mưu Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh hướng dẫn về quản lí đối với người, phương tiện ngoài tỉnh vào địa bàn; đối với người, phương tiện trong tỉnh đi ra ngoài và trở về địa phương.