Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện Thanh Hóa có 16.694 cán bộ y tế, tập trung chủ yếu tại tuyến tỉnh và khu vực thành thị. Tỉnh đã triển khai thí điểm thành công việc thực hiện cơ chế tự chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hoàn thành việc xây dựng đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập tại tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020 đồng thời ban hành cơ chế chính sách thu hút bác sỹ về làm việc tại các cơ sở y tế giai đoạn 2017 - 2020.
Những năm gần đây, ngành Y tế Thanh Hóa đã triển khai áp dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như: Chuyển giao cho tuyến dưới gần 271 kỹ thuật được áp dụng thường quy các kỹ thuật cao như: Kỹ thuật phẫu thuật tim hở, tim bẩm sinh, thay van tim nhân tạo…
Các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai một số kỹ thuật mới như: kỹ thuật thay van tim, phẫu thuật thay khớp gối, phẫu thuật cắt bàng quang toàn bộ tạo hình bàng quan bằng quai ruột, nội soi hẹp khúc nối bể thận niệu quản, cấy máy tạo nhịp đồng bộ, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu điều trị thoái hóa khơp, lọc máu hấp thụ trong ngộ độc Paraquat…
Tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai nhiều giải pháp giảm quá tải bệnh viện công lập và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh như: Thành lập và đầu tư Khoa Quốc tế (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với quy mô 100 giường bệnh chất lượng cao; thành lập, đưa vào hoạt động và đầu tư mới Bệnh viện Ung bướu tỉnh với quy mô 450 giường bệnh; Thu hút, triển khai 3 dự án đầu tư theo Nghị quyết số 93 của Chính phủ về một số chính sách phát triển y tế tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế Sao Mai (huyện Triệu Sơn)…
Các cơ sở y tế tuyến tỉnh đều đã và đang được đầu tư nâng cấp từ các nguồn lực khác nhau, đến nay cơ bản các cơ sở y tế tuyến tỉnh đều có trụ sở làm việc, trang thiết bị đáp ứng tối thiểu nhu cầu làm việc. Tuyến huyện đã và đang được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế từ nhiều nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương, địa phương, vốn ODA, 30A và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Thanh Hóa xác định y tế là 1 trong 5 công tác trọng tâm và đang phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành Trung tâm y tế hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ.
Thanh Hóa đề nghị Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo các bệnh viện tuyến
Trung ương tăng cường chuyển giao kỹ thuật, cán bộ từ các bệnh viện
Trung ương cho các bệnh viện tuyến tỉnh của Thanh Hóa theo mô hình Bệnh
viện vệ tinh, trong đó tập trung vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện
Ung bướu tỉnh và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Hiện
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 160 trạm y tế đã xuống cấp nghiêm trọng,
không đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, trong
điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, tỉnh đề nghị Bộ trưởng xem xét đưa
160 trạm y tế xã, phường, thị trấn của Thanh Hóa vào chương trình hỗ
trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực, hoạt động tài chính từ
nguồn vốn dự án giáo dục và đào tạo nhân lực phục vụ cải cách hệ thống y
tế vay vốn ODA, Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành y tế do EU viện trợ
không hoàn lại. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng tháo gỡ khó khăn
về cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính, bộ máy quản lý…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra chuyên môn tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương tại Thanh Hóa. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cũng nhấn mạnh Thanh Hóa hiện có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, cần sự hướng dẫn của Bộ, đặc biệt là về khung pháp lý.
Bên cạnh đó, Phân hiệu Đại học Y ở Thanh Hóa sau 2 năm đã đi vào hoạt động tốt với hơn 300 sinh viên và 33 bác sỹ nội trú, tới đây sẽ tiếp tục tuyển sinh khóa mới, đề nghị Bộ Y tế cho thành lập Bệnh viện Đại học Y tại Thanh Hóa.
Hiện Thanh Hóa có 2 bệnh viện phổi, là Bệnh viện 71 của Trung ương và Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, trong đó Bệnh viện Phổi của Trung ương được đầu tư tốt nhưng ít bệnh nhân, Bệnh viện Phổi của tỉnh được đầu tư kém hơn nhưng bệnh nhân lại đông hơn. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ sớm cho cơ chế sáp nhập 2 bệnh viện để hoạt động hiệu quả hơn.
Lắng nghe các ý kiến phát biểu của tỉnh Thanh Hóa và các thành viên trong đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao ngành y tế Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh cũng như công tác tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế chính sách kết hợp công tư, khuyến khích y tế tư nhân phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa đồng thời giao văn phòng Bộ và các Cục, Vụ, Viện trong ngành tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu cho Bộ xem xét, giải quyết cho Thanh Hóa.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế để người dân tham gia nhiều hơn.
Liên quan đến việc hiện Thanh Hóa có hơn 3.200 nhân viên y tế xã chưa được hưởng chế độ, chính sách như viên chức theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP quy định về y tế xã, phường, thị trấn, Bộ Y tế ủng hộ Thanh Hóa, sắp tới sẽ có hướng giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng này được hưởng các chế độ như các địa phương khác trong cả nước.
Đoàn công tác thăm hỏi nạn nhân trong vụ lật tàu đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Trong sáng 24/5, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ lật tàu đáng tiếc xảy ra tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm, động viên, chia sẻ với thân nhân của các nạn nhân đã tử vong trong vụ tai nạn và thăm hỏi động viên, tặng quà các nạn nhân của vụ lật tàu hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Tĩnh Gia.
Bộ trưởng đã động viên các nạn nhân yên tâm điều trị và yêu cầu Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Tĩnh Gia và ngành Y tế Thanh Hóa tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân của vụ lật tầu, đồng thời điều trị miễn phí cho các nạn nhân, trong trường hợp cần hỗ trợ về chuyên môn thì báo cáo với Sở Y tế, Bộ Y tế để hỗ trợ kịp thời.
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Y tế đã đến thăm Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng của Bộ Y tế tại Thành phố Sầm Sơn, Bệnh viện 71, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Tĩnh Gia, Trạm Y tế xã Hải Châu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu về bộ máy tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng y tế, chuyên môn... của các bệnh viện, cơ sở y tế nói trên.