Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90 -QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Trong đó, quy định chung về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là phải: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức, sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Những cán bộ này phải: Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt...
Đây là một trong các tiêu chuẩn của cán bộ, và cũng là một trong những điều kiện cần có để có thể lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Với yêu cầu cán bộ “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực” là một trong những yêu cầu thể hiện rõ nhất phẩm chất của người cán bộ- công bộc của nhân dân.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa X,XI,XIII cho rằng, chưa có định lượng cụ thể cho tiêu chuẩn “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, nhưng điều đầu tiên để hiểu về tiêu chuẩn này là cán bộ đó không “chạy chức, chạy quyền”.
“Anh không đủ khả năng, năng lực, đạo đức mà chạy chức, chạy quyền để 'ngồi' vào chỗ đó chính là tham vọng quyền lực. Việc đưa ra tiêu chuẩn đối với cán bộ cũng chính là gắn với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, nói đến công tác cán bộ thì phải trở lại cái gốc là “anh làm cán bộ để làm gì”.
Làm cán bộ phải lấy mục tiêu phục vụ nhân dân là trên hết; “tham vọng quyền lực” thì không thể trở thành cán bộ tốt được. Vì “tham vọng” sẽ dẫn đến lợi dụng quyền chức để mang lại quyền lợi cho cá nhân.
“Cán bộ muốn có cái này, cái khác thì rất nguy hại vì sẽ “đẻ” ra những tiêu cực trong công tác cán bộ như chạy chức, chạy quyền. Khi đó, chạy chức, chạy quyền trở thành cái gốc của những tiêu cực tiếp theo. Bởi, đã chạy chức, chạy quyền là anh gắn động cơ không lành mạnh rồi. Và cuối cùng là anh phải thực hiện những thủ đoạn để đem lại lợi ích cho mình do việc chạy quyền, chạy chức”, ông Lê Truyền nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng, trong công tác cán bộ “đánh giá cán bộ là khâu tiền đề nhất và cũng là khâu khó trong 7 khâu về công tác cán bộ của Đảng ta”.
Nhiều năm nay, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII đến nay thì Trung ương cũng đã thực hiện khá đầy đủ, các cấp các ngành cũng đã cụ thể hóa từng chức danh cán bộ quản lý của địa phương. Vì vậy, quy định trong khâu phát hiện, tuyển chọn đào tạo, cho đến thực hiện công tác bổ nhiệm cũng đã đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn đổi mới.
“Bộ Chính trị mới đây cũng ban hành quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, tới đây, các cơ quan tham mưu như Ban Đảng Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hóa từng tiêu chuẩn, nhất là những tiêu chuẩn khó định lượng như “không tham vọng quyền lực”, ông Phạm Văn Tuân nói.
Theo ông Phạm Văn Tuân, quan trọng nhất trong công tác đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ có thẩm quyền là phải thật sự khách quan, công tâm; mà trước hết trách nhiệm ở người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cấp có thẩm quyền.
“Để làm được điều đó, cần có quy định, quy trình đánh giá cán bộ chặt chẽ hơn nữa, từ lấy ý kiến của cán bộ, của các tổ chức đoàn thể nhân dân. Đánh giá cán bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tính quy tụ đoàn kết trong bộ máy, nhưng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ mới là thước đo chủ yếu để áp tiêu chí đánh giá”, ông Phạm Văn Tuân khẳng định.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm “kiểm soát quyền lực” và “giám sát thực hiện quyền lực”. Theo ông Lê Truyền, việc kiểm soát quyền lực trước hết là kiểm soát trong nội bộ của Đảng, nội bộ của các cơ quan nhà nước, bằng các quy chế, quy định cụ thể để quản lý cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt là phát huy vai trò tham gia của người dân trong quá trình quản lý đội ngũ cán bộ. Lắng nghe ý kiến của nhân dân phản ánh từ cộng đồng dân cư, ở mỗi cơ quan đơn vị, mọi cấp.
“Nghe rồi, có những việc phải trực tiếp tiếp xúc, đối thoại; cần thiết thì phải tiến hành thanh tra, kiểm tra đi đến kết luận từng trường hợp. Tai mắt của nhân dân phát hiện rất nhiều vụ việc, nếu được tiếp nhận đầy đủ thì sẽ là một phần rất quan trọng trong kiểm soát quyền lực”, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lê Truyền nhấn mạnh.