Ngay sau khi quyết định được ban hành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân của nhiều địa phương đã bày tỏ sự đồng tình với việc Bộ Chính trị ban hành khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.
Những quyết định kịp thời
Chia sẻ về những nội dung nêu trong các Quyết định trên, đông đảo cán bộ, đảng viên tại TP Hồ Chí Minh đều đánh giá cao, phấn khởi khi Bộ Chính trị đã ban hành những quy định cụ thể trong việc nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp trong thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Hữu, cán bộ hưu trí ở Phường 5, Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Quyết định số 89 và 90 của Bộ Chính trị được ban hành rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh có một số cán bộ cấp cao “vướng vào” nhiều vấn đề tham nhũng, có những sai phạm nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật nặng.
Theo ông Phạm Ngọc Hữu, những quy định cụ thể về khung tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, cũng như về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý góp phần đánh giá được năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo thực chất và chính xác hơn trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Qua đó vừa tạo động lực, niềm tin và sự chuẩn xác nỗ lực, phấn đấu của chính cán bộ được đánh giá cũng như ngăn chặn được những đối tượng cơ hội, tham chức tham quyền mà có thể luồn lách, chạy chọt để “lọt” vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Để đưa các tiêu chuẩn, tiêu chí này vào cuộc sống, ông Phạm Ngọc Hữu nhấn mạnh, cần phải phổ biến rộng rãi để quần chúng nhân dân, cán bộ đảng viên nắm rõ, qua đó có thể giám sát, kiểm tra được quá trình triển khai của các tổ chức, đơn vị, địa phương trong thực hiện giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư cũng cần có những giải pháp cụ thể trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện các Quy định này ở các cấp, tránh trường hợp “đánh trống bỏ dùi”, thực hiện "chiếu lệ qua loa".
Đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành các Quyết định số 89 và 90, ông Hoàng Thanh Tú, ở Phường 8, Quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), cho rằng các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín … sẽ giúp Đảng ta cũng như chính quyền các cấp lựa chọn được những người “có đức, có tài” phục vụ trong bộ máy lãnh đạo các cấp từ Trung ương xuống địa phương, phục vụ nhân dân được tốt hơn, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đội ngũ lãnh đạo “vừa hồng, vừa chuyên” của Đảng và Nhà nước ta.
Theo ông Hoàng Thanh Tú, trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", " tự chuyển hóa" trong nội bộ, các quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ ra đời sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy lãnh đạo; từng bước đào thải những cán bộ yếu kém về năng lực, bị tha hóa; thiếu tín nhiệm từ nhân dân
Công tác cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng
Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An cho rằng: Công tác cán bộ luôn giữ vị trí then chốt trong công tác xây dựng Đảng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW và Quy định số 90 - QĐ/TW với quy chuẩn về cán bộ lãnh đạo vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng. Quy định này được ban hành sẽ giúp các địa phương dễ dàng hơn trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Các quy định này rất sát thực tế, thực sự cần thiết để chấm dứt tình trạng "vàng thau lẫn lộn" trắng đen không rõ ràng, tránh việc cảm tính trong đánh giá cán bộ.
Theo bà Trần Thị Thu Hương để các quy định này được thực hiện một cách hiệu quả cần phải nêu cao vai trò của tổ chức đảng nơi trực tiếp quản lý cán bộ đảng viên đó, phải thường xuyên bám sát tình hình thực tế để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của cán bộ. Tiêu chuẩn chức danh lựa chọn đầu vào của cán bộ khá chặt chẽ. Các Quy định này được ban hành đã lượng hóa những tiêu chuẩn để quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ, từ đó đánh giá cán bộ một cách khách quan gắn với nhiệm vụ chính trị. Hai quy định này đã giúp công tác cán bộ đảm bảo sự công tâm, khách quan và đổi mới thực chất công tác cán bộ, tuyển dụng được những lãnh đạo, quản lý thật sự có tài, có đức. Có thể nói, hai quy định này ra đời là một bước công khai hóa trong cử tri và nhân dân về công tác cán bộ của Đảng, để nhân dân có điều kiện giám sát, góp phần giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân kiểm soát quyền lực đối với cán bộ giữ vị trí lãnh đạo và tham gia xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Anh Nguyễn Bình Minh, cán bộ Ban tổ chức, Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết: Là một cán bộ đảng viên trẻ, anh nhận thấy rằng hai quy định của Bộ Chính trị vừa ban hành là việc làm cần thiết để cụ thể hóa công tác cán bộ của Đảng. Các quyết định này thực sự có ý nghĩa, quan trọng để gây dựng niềm tin trong nhân dân, trong cán bộ đảng viên trẻ đối với Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc khó khăn, phức tạp, là cuộc đấu tranh với chính mình nhằm khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của mỗi cá nhân lãnh đạo, nhất là những người giữ trọng trách cao trong Đảng và chính quyền. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 90-QĐ/TW, với góc nhìn của một cán bộ trẻ, anh Nguyễn Bình Minh cho rằng những tiêu chuẩn đặt ra sẽ là một động lực, cơ sở để cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ trẻ như anh phấn đấu, rèn luyện, định hướng bản thân tiến bộ hơn, vững vàng hơn, khắc phục những hạn chế để góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước.
Thể hiện quy chuẩn của Tổ chức Đảng trong kiểm tra, giám sát
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam bày tỏ quan điểm: Lần đầu tiên Bộ Chính trị Bộ có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đây là việc bắt buộc đáng lẽ phải có từ lâu mới đúng vì bất kỳ vị trí nào cũng cần có tiêu chí để lựa chọn và đánh giá. Điều này còn thể hiện sự quy chuẩn của tổ chức Đảng để kiểm tra và giám sát.
Nội dung các tiêu chuẩn thể hiện quan điểm của Đảng về lựa chọn cán bộ có đủ tầm và tài năng cũng như phẩm chất đạo đức. Điều này tạo niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự quyết tâm của Đảng trong việc đẩy lùi về suy thoái trong nội bộ Đảng cũng như công tác phòng, chống tham nhũng.
Tổ chức nào muốn phát triển được thì việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo là yếu tố quyết định, chỉ có con người tốt mới xây dựng được tổ chức tốt, và tổ chức đó mới phát triển bền vững. Việc ra quy định và thực hiện bây giờ là cấp thiết.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Lương Công Nhớ chia sẻ: Rất nhiều vĩ nhân trên thế giới có tham vọng xây dựng quốc gia hưng thịnh, hòa bình. Bác Hồ kính yêu từng nói "Tôi có ham muốn tột cùng là đất nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc". Cho nên người lãnh đạo cấp cao không được có tham vọng xấu mà cần nuôi dưỡng động lực cống hiến, thúc đẩy sự phát triển.
Lựa chọn cán bộ đủ tâm, tầm
Với diễn giả Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec: Để có được Quy định 89-QĐ/TW và Quy định 90-QĐTW chắc chắn Bộ Chính trị và Ban Bí thư qua thực tiễn phát triển và xây dựng đất nước trong thời bình đã đúc kết được kinh nghiệm, đã nhìn rõ được sự vận động của xã hội. Việc lựa chọn cán bộ cấp cao vì lợi ích dân tộc, vì nhân dân phục vụ là điều cần phải làm, phải lựa chọn kỹ càng những người có đủ tầm, đủ tâm, đủ tài, đủ trí, đủ dũng, đủ nhẫn và có tính kỷ luật cao.
Tiêu chí về khung tiêu chuẩn cán bộ tại Quy định số 89 - QĐ/TW sẽ ngăn chặn, phòng ngừa cho chính cán bộ công chức các cấp, ngăn chặn suy thoái trong Đảng. Đây là một Quy định tiến bộ và hợp lòng dân.
Với tư cách là đảng viên, ông Nguyễn Hà, ở phường An Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn chung của cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có thể hiểu là tiêu chuẩn chung cần phải có đối với tất cả đảng viên như: trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân, kiên định với chủ nghĩa Mác Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh... được cụ thể hóa là có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng phản bác các luận điệu xuyên tạc và chấp hành nghiêm sự phân công và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng.
Vì thế, "Khung tiêu chuẩn chức danh" này không chỉ áp dụng cho các cán bộ cấp Trung ương mà còn được coi là định hướng khung tiêu chí để đánh giá cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp khi quy định này cũng nêu rõ "căn cứ Quy định này, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quy định cụ thể tiêu chuẩn, chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý sát hợp với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị cấp mình".