Quyết liệt và đồng bộ
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ đã đề cập sát hơn về tình hình đấu tranh phòng, chống nạn tham nhũng. Nội dung báo cáo thể hiện rõ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chú trọng hơn; vấn đề xử lý hành vi tham nhũng đạt tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với mọi năm. Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay; trong đó thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc bắt nguồn từ đâu, nguyên nhân, biện pháp chấn chỉnh.
“Như vậy, năm nay với tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, tình hình để đánh giá, báo cáo của Chính phủ có sự nghiêm túc, trách nhiệm hơn so với mọi năm. Qua báo cáo này, chúng ta thấy công tác phòng, chống tham nhũng năm nay có bước chuyển rất tích cực”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, mọi năm, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đều cho thấy tỷ lệ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tỷ lệ phá án tăng không nhiều nhưng năm nay tỷ lệ này tăng 30%. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra truy tố tăng lên, cho thấy các cấp, các ngành đều quyết tâm cao, vào cuộc đồng bộ để xử lý hành vi tham nhũng. Nhờ vậy, nạn tham nhũng đang từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm.
Đánh giá nạn tham nhũng vặt còn nhức nhối mặc dù công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, lòng dân còn chưa yên vì hàng ngày, hàng giờ vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh trong một bộ phận cán bộ thực thi công vụ. Bộ phận này làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Do vậy, việc chấn chỉnh tình trạng tiêu cực, vòi vĩnh trong cán bộ, công chức phải được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác thực thi cần được triển khai quyết liệt và đồng bộ.
Nêu giải pháp để công tác phòng, chống tham nhũng không rơi vào tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, đại biểu Lê Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, giải pháp căn bản là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Theo đại biểu, một cơ quan, đơn vị, tổ chức có người đứng đầu chuẩn mực thì chắc chắn việc thực thi pháp luật sẽ nghiêm túc. Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang diễn ra rất mạnh mẽ cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn tại địa phương và cơ sở, đại biểu cho rằng, bản thân người dân cũng phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, điều chỉnh hành vi nhằm thực hiện quyết liệt công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh đồng tình với một số ý kiến của đại biểu Quốc hội khác khi nêu tình trạng người dân đều nói phải phòng, chống tham nhũng, phản đối hành vi tiêu cực liên quan đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhưng đôi lúc trong công việc hàng ngày, người dân không tự điều chỉnh hành vi, có tiếng nói chung với nạn tham nhũng vặt.
Đại biểu nêu ví dụ: “Chúng ta phản đối cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu, nhưng trong thực tế vẫn có những người có thói quen, quan niệm là đi đến đâu cũng có phong bì cho cán bộ, công chức để công việc thuận lợi”.
Đại biểu nhấn mạnh đến sự đồng bộ giữa lời nói và việc làm, đồng bộ từ trên xuống dưới, từ cán bộ đảng viên, những người thực thi công vụ đến những người trực tiếp tiếp xúc với công việc đó. Có như vậy, công tác phòng, chống tham nhũng mới có thể “trên cũng nóng, mà dưới cũng nóng”.
Phòng ngừa và chống các loại hình tội phạm mới
Bàn về tình hình tội phạm hiện nay, đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ quan tâm đến tình hình tội phạm công nghệ cao. Theo đại biểu, mặc dù một bộ phận nhân dân hiện còn chưa được tiếp cận nhiều thông tin đối với loại hình tội phạm này, nhưng thực tế hiện nay, loại hình tội phạm này đang diễn ra rất phức tạp, đa dạng. Từng người, từng nhà đều có khả năng trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm này. Đây là sự nhức nhối, nỗi đau của cả xã hội, gây ra những hậu quả khó lường.
“Do đó, công tác chủ động đấu tranh phòng ngừa và chống loại hình tội phạm này nói riêng, những loại hình tội phạm mới nói chung là rất cần thiết”, đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng làm tốt công tác dự báo, đồng thời chủ động phòng ngừa đối với loại hình tội phạm công nghệ cao. Đại biểu mong muốn, người dân được tiếp cận nhiều hơn với thông tin về loại hình tội phạm công nghệ cao, các chính sách, pháp luật đặc thù để người dân thấu hiểu, có nhận thức đầy đủ, từ đó chủ động phòng, chống các loại hình tội phạm mới, trong đó có tội phạm công nghệ cao.
Chia sẻ quan điểm đối với loại hình tội phạm tín dụng đen, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết: Tội phạm tín dụng đen là loại hình tội phạm rất nhức nhối thời gian gần đây, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân dân. Để khắc phục loại hình tội phạm này, theo đại biểu, cần có một số giải pháp cụ thể. “Đầu tiên là xây dựng cơ sở pháp lý theo hướng thông thoáng, bao phủ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng uy tín hoạt động, để các tổ chức tín dụng đen không còn môi trường tồn tại. Cùng với đó, chúng ta phải có những quy định chặt chẽ, kịp thời để xử lý nghiêm minh. Quan trọng hơn nữa, phải có biện pháp để giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho hay.
Nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, đây là giải pháp quan trọng, trong đó cần tuyên truyền từ cơ sở để các tổ chức xã, phường vận động, nắm tình hình. Theo đại biểu, tới đây, khi Luật Công an nhân dân ban hành và có hiệu lực, lực lượng công an xã là kênh rất quan trọng để phát hiện sớm manh mối, một mặt ngăn chặn, mặt khác vận động, tuyên truyền nhân dân để có nhận thức, từ đó chủ động ngăn chặn hành vi phạm tội của các tổ chức tín dụng đen.