Tại khu vực chân cầu Bến Tượng (thuộc địa bàn phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên), tại thời điểm 14 giờ ngày 9/9, mực nước dâng cao gây ngập tuyến đường Quốc lộ 1B, chia cắt toàn bộ khu vực dân cư phía bên kia chân cầu. Nhiều người muốn tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân trong vùng bị ngập nhưng do diễn biến nước lũ phức tạp, khó lường nên lực lượng chức năng kiên quyết không cho di chuyển. Những người làm nhiệm vụ trực tiếp mới được vào khu vực nước ngập.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) cho biết, mẹ chị năm nay 92 tuổi sống cùng với gia đình người em ở tổ dân phố Tân Thành 2 (phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên). Nước lũ lên nhanh, sáng nay chị không sang chỗ mẹ được. “Tôi nghe mọi người nói, mẹ tôi đã được lực lượng cứu hộ di chuyển đến nơi an toàn nên thấy yên tâm hơn”.
Trong những ngày này, lực lượng chức năng của tỉnh, thành phố Thái Nguyên đã triển khai đồng loạt các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo các địa phương, ngành chức năng trực tiếp đến kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Thái Nguyên cho biết, công tác ứng phó với thiên tai đã được thành phố có phương án ngay từ trước khi bão đổ bộ. Lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tại các khu vực xung yếu, ngầm tràn, đập tràn, cầu phao, cầu treo trên địa bàn; đồng thời, chuẩn bị phương tiện máy móc, thiết bị và nhân lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Thái Nguyên, thời điểm hiện tại, 22 xã, phường của thành phố bị ngập úng; trong đó có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 850 ha lúa và hoa màu bị đổ rạp; gần 10 ha trồng keo bị gẫy; 200.000 con gia cầm bị chết và 0,4 ha ao cá bị lũ cuốn trôi; nhiều trường học trên địa bàn bị tốc mái, sập trần… Lực lượng chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực nước dâng cao.
Tại một số địa phương khác như: Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, thành phố Sông Công…, nước lũ cũng dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, chia cắt, một số điểm đã xảy ra sạt lở... Lực lượng chức năng đã kịp thời di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời, tích cực khắc phục hậu quả và tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại trên địa bàn, có phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”...
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, nước lũ trên sông Cầu vẫn đang lên chậm, tại trạm thủy văn Gia Bẩy, nước lũ đã vượt báo động cấp III hơn 115 cm và xấp xỉ với trận lũ lịch sử xảy ra ngày 2/7/1959. Mực nước hồ Núi Cốc đang có chiều hướng tăng nhanh cùng với mưa to đến rất to đang tiếp tục xảy ra tại các huyện Định Hóa, Phú Lương… Để chủ động ứng phó với mưa lũ và hạ dần mực nước trong hồ đón lũ, tạo dung tích phòng lũ, 14 giờ ngày 9/9, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã vận hành xả nước qua tràn hồ Núi Cốc với lưu lượng xả từ 60 - 300 m3/giây. Công ty khuyến cáo, người dân phía hạ du sau tràn có biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn trong thời gian xả lũ.