Năm 2019, trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã hoàn thành 579.256 việc, đạt 78,59% (cao hơn 5,59% so với chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao); về tiền, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu gần 53.000 tỷ đồng, đạt 35,43%. Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi được tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã có nhiều cố gắng trong tham mưu cho Chính phủ nhằm nâng cao kỷ cương, kỷ luật chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính. Công tác tiếp công dân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật.
Thảo luận tại Hội nghị, bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác thi hành án dân sự. Nhiều ý kiến chỉ rõ, mặc dù số lượng tuyệt đối thi hành cả về việc và tiền đều tăng so với năm 2018, nhưng kết quả tính theo tỷ lệ thi hành xong trên số vụ việc có điều kiện thi hành lại giảm. Kết quả giải quyết các vụ việc trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong vụ án về tham nhũng, kinh tế hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý, còn có sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, xử lý tài sản, quản lý và xử lý tiền, tài sản, vật chứng thi hành án…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị, năm 2020, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan; chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết cho việc tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp.
Toàn ngành triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bảo đảm kết quả tỷ lệ thi hành xong trên tổng số có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, các cơ quan tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc tín dụng, ngân hàng, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; thực hiện hiệu quả các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật.
Các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, Tài nguyên và Môi trường... trong việc tổ chức thi hành án trên địa bàn, đặc biệt trong việc giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm.