Quang cảnh ký kết chương trình phối hợp công tác. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 18 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đã bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra, chủ động trong việc phối hợp triển khai thực hiện, đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực.
Căn cứ chương trình phối hợp của hai cơ quan Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng, triển khai chương trình phối hợp cụ thể tại các địa phương. Đến nay, 32 tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình phối hợp với Ủy ban Dân tộc.
Công tác phối hợp đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc, cùng với cơ chế, chính sách đúng đắn hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đã giúp cho kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi từng bước phát triển góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn.
Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc miền núi giảm từ 2-4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường, công tác giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Từ thực tiễn phối hợp ở cơ sở, các đại biểu cho rằng công tác vận động đồng bào thiểu số phải hiểu phong tục tập quán, tâm lý của đồng bào, không nặng về lý thuyết chung chung, phải bằng việc làm, mô hình cụ thể để cho đồng bào tai mắt thấy tai nghe, tạo thành động cơ thôi thúc đồng bào tự giác, hăng hái tham gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị hai cơ quan cần phối hợp thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, các chương trình từ thiện nhân đạo bằng những hành động quyết liệt, cụ thể, qua đó tạo sự lan toả, đồng thuận trong xã hội; xây dựng triển khai các khung chính sách, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn, tạo sinh kế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.
Ngoài ra, hai bên cần phối hợp để làm tốt lễ tuyên dương doanh nhân, trí thức và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn kiến thức, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc ở các địa phương…
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Dân tộc để những nội dung ký kết giữa hai bên có được kết quả hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi khó khăn.
Bên cạnh đó, hai bên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan tới chính sách dân tộc; kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về cơ chế chính sách nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc.
"Việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình đã ký kết giữa hai bên cần được thực hiện hiệu quả, đồng thời đi sâu vào các địa phương vẫn chưa triển khai được chương trình ký kết giai đoạn 2012-2016, nhân rộng những điển hình trong giai đoạn 2017-2021", ông Trần Thanh Mẫn đề xuất.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021 giữa hai cơ quan.