Tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 9/12, tại thành phố Bắc Giang, sau hai ngày làm việc, Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016- 2021 đã bế mạc, thông qua nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2021- 2025.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang biểu quyết thông qua các Nghị quyết. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Tại Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tập trung thảo luận tình hình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Trên cơ sở thảo luận, đánh giá thuận lợi, khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang thống nhất thông qua mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tỉnh củng cố, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên cơ sở kiểm soát tốt dịch COVID-19; tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng; phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông và đô thị theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Bắc Giang quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng quản lý tài nguyên, khoáng sản; giải quyết tốt các vấn đề về môi trường. Tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho phát triển.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang biểu quyết thông qua các Nghị quyết. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Giang đề ra 18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 như: Phấn đấu tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 3.280 USD; tốc độ tăng năng suất lao động 15,1%. Thu ngân sách nhà nước đạt 10.086 tỷ đồng. Giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 125 triệu đồng. Khách du lịch đạt 1,2 triệu lượt…. 

Tỉnh đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa củng cố, phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.

Bắc Giang triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp: Tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh; xây dựng các chính sách cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Tỉnh tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.Tỉnh phát huy giá trị văn hóa; nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.

Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khóa XVIII đã thông qua 22 dự thảo nghị quyết trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh, trong đó có những nghị quyết quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021- 2025; điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh: Bên cạnh những thời cơ thuận lợi, dự báo năm 2021 và những năm tới sẽ còn không ít khó khăn, thách thức đối với Bắc Giang, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Do đó, các cấp, các ngành ở tỉnh cần tập trung cao thực hiện tốt các nhiệm vụ gồm: Tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục tập trung thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư, gắn với nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua 56 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội

Chú thích ảnh
Chủ tọa Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVI. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVI diễn ra trong hai ngày 8 - 9/12 đã  thảo luận thông qua 56 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, chất vấn nêu ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm. Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các cơ quan chuyên môn đã thể hiện thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị, trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm vấn đề, đưa ra các giải pháp cơ bản thiết thực để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý ở lĩnh vực phụ trách. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tích cực chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề còn kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Trong các phiên thảo luận đã có hơn 45 ý kiến phát biểu tập trung vào các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Trong đó, nội dung thảo luận tập trung vào 4 chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội không đạt của năm 2020, giải pháp thực hiện thu ngân sách năm 2020, ngân sách dự phòng năm 2021; giải ngân vốn đầu tư công; việc chi trả chế độ tiền lương, phụ cấp thường xuyên được hưởng của cán bộ dân quân tự vệ; tính khả thi của Dự án kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc... 

Các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm như tình trạng xe quá khổ quá tải vẫn diễn ra tại nhiều địa phương; vấn đề ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất, các dự án chậm tiến độ triển khai không xử lý gây thất thoát nguồn thu và ảnh hưởng tài nguyên đất; tỷ lệ bảo hiểm y tế không đạt so với chỉ tiêu; công tác hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh, sinh viên; vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh...

Trong phiên chất vấn, 3 đại biểu thuộc tổ đại biểu thành phố Hòa Bình và huyện Tân Lạc chất vấn về các vấn đề xử lý rác thải tại địa bàn tỉnh Hòa Bình; khai thác giun đất tận diệt tại một số địa phương và vấn đề nâng cấp hệ thống đường ống nước sạch trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Các ý kiến chất vấn của các đại biểu đã được các cơ quan chuyên môn giải trình làm rõ.

Tại phần giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nêu rõ nỗ lực của UBND tỉnh trong việc thực hiện 13 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; trong đó trọng tâm là tập trung thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư... đồng thời quan tâm chỉ đạo những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.  

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN

Bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Hòa Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua; nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cử tri, nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.

Bến Tre phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,76%

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh Công Trí/TTXVN

Trong hai ngày 8 và 9/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bến Tre tổ chức Kỳ họp lần thứ 19, khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thảo luận và quyết nghị một số nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi nhấn mạnh, năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Do đó, UBND tỉnh, các ngành, các cấp cần tập trung cụ thể hóa và triển khai sớm Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 được HĐND tỉnh thông qua.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2020, giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025. Các đại biểu đã đề xuất bổ sung nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. HĐND tỉnh đã dành thời gian xem xét, thảo luận và thông qua 28 nghị quyết trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và nhân sự được trình tại kỳ họp.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, năm qua, Bến Tre chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn và đại dịch COVID-19. Nhờ có sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 14/23 chỉ tiêu nghị quyết. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước tăng 3,49%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.000 tỷ đồng, vượt 3,4% dự toán Trung ương giao…

Đời sống người dân và an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Các nhiệm vụ phát triển văn hóa-xã hội, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và quản lý tài nguyên, môi trường đạt kết quả tích cực. Hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép cơ bản không còn điểm nóng. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Năm 2020, tỉnh có 9 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu nghị quyết đề ra như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế; tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; GRDP bình quân đầu người; tổng chi ngân sách địa phương; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, để đạt mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, các ngành, các cấp trong tỉnh cần phải có sự quyết tâm và kiên định trong thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực cao nhất - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay.

Năm 2021, Bến Tre phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,76%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 48,9 triệu đồng/người, thu ngân sách đạt 5.000 tỷ đồng…

Để đạt mục tiêu đề ra, Bến Tre tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP ”, chú trọng nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các khâu trong chuỗi. Tỉnh triển khai nghị quyết xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu hoàn thiện chuỗi giá trị dừa, hoàn thành cơ bản chuỗi giá trị tôm và chuỗi giá trị bò.

Tỉnh khẩn trương và triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn. Ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời tình hình hạn mặn cho người dân để chủ động sản xuất; hướng dẫn và khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản phù hợp. Tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; tăng cường vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt.

Bến Tre huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các công trình giao thông có tính lan tỏa, đảm bảo tính kết nối theo định hướng phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông…

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng 2 Phó Chủ tịch vừa được bầu bổ sung. Ảnh Công Trí/TTXVN

Tại Kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre đã tiến hành bầu bổ sung ông Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và bà Nguyễn Thị Bé Mười, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, sinh ngày 6/12/1967, quê quán xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre; trình độ chuyên môn: Kỹ sư khai thác thủy sản, Cử nhân Hành chính học.

Bà Nguyễn Thị Bé Mười, sinh ngày 10/02/1972, quê quán Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; trình độ chuyên môn: Cử nhân Khoa học (Sư phạm Địa lý), Thạc sĩ Quản lý Giáo dục.

Kỳ họp đã tiến hành miễn nhiệm hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016 -2021 đối với ông Nguyễn Hữu Lập (nghỉ hưu) và ông Nguyễn Văn Đức (chuyển công tác).

Đến năm 2025, Cà Mau sẽ xây dựng 1.000 nhà ở cho người có thu nhập thấp

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu thảo luận ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Sau hai ngày (8 - 9/12) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau lần thứ 15 (khóa IX), nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Tại Kỳ họp, nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận, tranh luận liên quan đến công tác quy hoạch phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời và giải pháp hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết thời hạn sử dụng; công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch; thực trạng và giải pháp chống ngập cho thành phố Cà Mau...

Các đại biểu thảo luận về quy hoạch và sử dụng đất trên địa bàn, nhất là quy hoạch quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các dự án quan trọng; tăng cường quản lý hoạt động của tàu cá trên biển thông qua lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, quản lý dạy thêm học thêm, số vụ tai nạn về điện vẫn còn cao…

Không khí nghị trường ‘‘nóng lên’’ bởi nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu tập trung chất vấn và trả lời chất vấn chủ yếu 3 nhóm vấn đề chính là: công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế lâm nghiệp; về quy hoạch, xây dựng đô thị; những vấn đề đã được chất vấn tại các kỳ họp trước, được thủ trưởng các cơ quan đơn vị hứa, trả lời, nhưng chưa được triển khai, thực hiện hiệu quả.

Nhiều đại biểu đặt nhiều câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Dư Minh Hùng xung quanh việc quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, giải pháp chống ngập cho thành phố Cà Mau, việc triển khai dự án xây nhà ở cho người thu nhập thấp.

Giải đáp rõ vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, Cà Mau hiện còn khoảng 43% người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở tại các đô thị nhưng nhu cầu lớn nhất chủ yếu ở khu vực thành phố Cà Mau. Năm 2019, qua rà soát, địa bàn có khoảng 4.200 hộ có nhu cầu nhà ở nên đòi hỏi cần quỹ đất rất lớn. Từ thực tế trên, tỉnh định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển khoảng 1.000 nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Thanh Triều đã giải đáp làm rõ nội dung đại biểu đặt ra về quản lý đất rừng, quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm soát mua bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn…; kết quả triển khai Ngân hàng đất thuộc dự án của Ngân hàng Thế giới đầu tư từ nguồn vốn ODA với diện tích 11 ha để làm bãi chứa đất cung ứng cho người dân sử dụng vào mục đích san lấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi thông tin, làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm đối với lĩnh vực thu tiền sử dụng đất, quy hoạch nâng cấp đô thị, mở rộng lộ giới…

Kỳ họp nhất trí thông qua 17 dự thảo Nghị quyết làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2021 và những năm tiếp theo; đặc biệt là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Kỳ họp thống nhất cao với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của UBND tỉnh đã đề ra năm 2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 6,5 - 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 19.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu 0,3%...

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện cho biết: Các vấn đề đại biểu chất vấn tại Kỳ họp đã được lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành tỉnh trả lời làm rõ, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, nội dung trả lời chất vấn có chất lượng và thể hiện trách nhiệm cao.

Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết đã được thông qua, có giải pháp cụ thể và hữu hiệu nhất để lãnh chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tin tưởng với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, Cà Mau sẽ thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã năm 2021 và những năm tiếp theo.

Đồng Thúy - Thanh Hải - Công Trí -Kim Há (TTXVN)
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội

Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN