Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng 9/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.
* Giảm bớt các giấy tờ không cần thiết
Cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch, các đại biểu nhận thấy, làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để bảo đảm cho người dân thực hiện quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh. Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật, nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật Hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát các quy định của dự án Luật Hộ tịch với các quy định của dự án Luật căn cước công dân để đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013- 2020, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành Luật Hộ tịch.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật căn cước công dân và Dự án Luật hộ tịch sáng 9/6. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN. |
Góp ý về mối quan hệ giữa việc cấp Giấy khai sinh với Thẻ căn cước công dân, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, theo dự án Luật Hộ tịch, Giấy khai sinh được cấp cho trẻ em ngay từ khi mới sinh ra, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước đối với công dân, đồng thời để công dân thực hiện các quyền cơ bản của mình như quyền học tập, khám chữa bệnh, đi lại... Tuy nhiên, theo dự án Luật Căn cước công dân, Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh. Như vậy, giữa hai loại giấy tờ này có sự trùng lặp về nguồn thông tin, nội dung thông tin của người kê khai. Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần nghiên cứu để quy định thống nhất nội dung này trong dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, tránh phát sinh thêm giấy tờ, gây phiền hà cho công dân đi làm thủ tục kê khai thông tin cá nhân.
Băn khoăn về quy định giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này trong dự án Luật. Bởi hiện nay chất lượng, trình độ của cán bộ tư pháp các huyện còn nhiều hạn chế, đặc biệt là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Góp ý về cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đề nghị, dự án luật cần nghiên cứu kỹ quy định về cấp số định danh cá nhân. Bởi, nếu mục đích cấp số định danh cá nhân chỉ nhằm giúp xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, trong khi mỗi cá nhân vẫn có chứng minh nhân dân, hộ chiếu, mã số thuế cá nhân, sổ hộ khẩu..., việc quản lý dân cư của nhà nước lại thêm phức tạp.
* Bảo đảm quản lý thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo
Việc sử dụng giấy tờ về căn cước công dân (chứng minh nhân dân) đã được thực hiện ở nước ta từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hoạt động quản lý căn cước công dân mới được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ nên hiệu lực pháp lý không cao, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân là cần thiết để luật hóa những quy phạm pháp luật đã thực hiện ổn định, hiệu quả và thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Dự án Luật Căn cước công dân được bố cục 5 chương 36 điều, trong đó gồm các quy định đối với công tác cấp và quản lý căn cước công dân. Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) nhận định, dự án Luật chưa quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác cấp và quản lý căn cước công dân; cần xây dựng thêm một chương riêng quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trong đó quy định cụ thể về nội dung, trình tự, quy trình, thẩm quyền, phương pháp cập nhật, quản lý, sử dụng và khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân.
Về thẻ căn cước công dân, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, Bộ luật Hình sự đã quy định người dưới 15 tuổi phải chịu trách nhiệm đối với tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nếu Luật Căn cước công dân quy định 15 tuổi trở lên mới in ảnh, vân tay và đặc điểm nhận dạng, công tác điều tra tội phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi những người từ đủ 14 tuổi đến đủ 15 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị, dự án Luật điều chỉnh lại độ tuổi in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhận dạng vào Thẻ căn cước cho phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm sinh học của con người.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Kim Tuyến (Hà Nội) nêu, ngoài những đặc điểm nhận dạng như: Màu da, khuôn mặt, nốt ruồi... Thẻ căn cước công dân nhất quyết phải bổ sung thêm thông tin về nhóm máu. Các đại biểu giải thích, đặc điểm nhận dạng khác có thể thay đổi bằng công nghệ. Về nhóm máu, công nghệ cao đến mấy cũng không thể thay đổi được. Do vậy, dự án Luật cần bổ sung thông tin về nhóm máu trong đặc điểm nhận dạng của Thẻ căn cước công dân.
Liên quan đến quy định về cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, dự án Luật cần có quy định về sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an quản lý với cơ sở dữ liệu về hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý để tránh trùng lặp, chồng chéo, gây phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, thông tin cơ bản về công dân cần phải được quản lý thống nhất từ khi sinh ra đến khi chết trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng trong dự án Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng hơn vấn đề này…
Khiếu Tư