Người dân sẽ “nhàn” hơn nhờ Luật Hộ tịch

Công tác quản lý hộ tịch đang bộc lộ một số bất cập. Từ thực tế này, dự thảo Luật Hộ tịch sẽ tập trung vào việc cải cách trong công tác quản lý hộ tịch theo hướng có lợi cho người dân.


Thủ tục làm “khó” dân


Chị Vũ Thị Thủy (Hà Nam) bị lừa bán sang bên kia biên giới làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Khi mang thai được 5 tháng chị trốn về Việt Nam và sau đó sinh được một bé trai. Sau khi sinh, chị Thủy đến UBND xã xin đăng ký khai sinh cho cháu bé nhưng cán bộ tư pháp yêu cầu chị phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc phải có cha đứa trẻ đến nhận con thì mới có căn cứ để làm thủ tục. Khi chị Thủy trình bày hoàn cảnh, vị cán bộ này cho rằng, việc khai sinh cho con của chị Thủy có yếu tố nước ngoài nên yêu cầu chị lên Sở Tư pháp để làm thủ tục. “Do công việc bận rộn cộng với chi phí đi lại tốn kém nên dù muốn, tôi vẫn chưa thể làm giấy khai sinh cho con. Mới làm giấy khai sinh đã phức tạp như vậy rồi, không biết các thủ tục khác như nhập hộ khẩu rồi đăng ký đi học cho cháu… sẽ vất vả như thế nào nữa”, chị Thủy băn khoăn.

 

Tổ quản lý hành chính Công an quận 8 (TP Hồ Chí Minh) tư vấn và thực hiện cấp, đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), dù có nhiều cải tiến nhưng thủ tục đăng ký hộ tịch hiện nay vẫn rất phức tạp, nặng về thủ tục hành chính. Quy định về hộ tịch hiện hành mới chỉ hướng đến tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước mà chưa tạo thuận lợi cho người dân. “Nhiều nơi, cán bộ quan liêu, ngồi một chỗ đọc hồ sơ, hồ sơ thiếu giấy tờ gì là bắt dân phải chạy đi chạy lại bổ sung, rất mất thời gian”, ông Khanh nhấn mạnh.


Cục trưởng Nguyễn Công Khanh dẫn chứng một câu chuyện thực tế, ngay một thứ trưởng Bộ Tư pháp đã từng gọi điện thẳng đến Cục Hộ tịch phàn nàn vì thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu nội của vị thứ trưởng này quá khó khăn. Bố cháu bé có hộ khẩu ở Hà Nội, mẹ ở TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, dù sinh ra tại Hà Nội, cháu bé cũng không thể khai sinh được tại đây mà bắt buộc phải vào TP Hồ Chí Minh khai sinh theo mẹ. “Chi phí để làm những thủ tục đó, từ việc đi lại, tàu xe, sao chụp giấy tờ, nhờ tư vấn pháp luật… không hề rẻ so với mức thu nhập trung bình của người dân”, ông Khanh nêu rõ.


Xây dựng hộ tịch điện tử


Do chưa có Luật Hộ tịch nên việc đăng ký hộ khẩu thường trú hiện nay được điều chỉnh bởi khoảng hơn 300 điều quy định thuộc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn. Vì vậy, không tránh khỏi chồng chéo, rườm rà gây phiền hà cho người dân và làm khó công tác quản lý. Đơn cử như có tới 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) vừa làm nhiệm vụ quản lý nhà nước vừa thực hiện đăng ký hộ tịch. Người dân khó phân biệt yêu cầu của mình do cấp nào giải quyết.


Việc vào sổ, lưu trữ dữ liệu hộ khẩu làm theo phương pháp thủ công khiến khả năng tra cứu rất hạn chế. Thậm chí có trường hợp cố tình vi phạm, một người đăng ký... 2 hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho công tác quản lý. Hoặc người dân đã chuyển chỗ ở 4, 5 lần, nơi quản lý hộ khẩu thường trú ban đầu không biết được công dân hiện ở đâu, liên hệ với ai, bằng cách nào.


Để khắc phục hiện tượng này, dự thảo Luật Hộ tịch dự kiến giao tất cả các việc đăng ký hộ tịch (kể cả các việc hộ tịch đang do cấp tỉnh, cấp quận, huyện giải quyết) cho UBND cấp cơ sở (cấp xã, phường) giải quyết. Riêng việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thay đổi cải chính hộ tịch..., Ban soạn thảo dự kiến giao UBND cấp xã thực hiện nhưng phải xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tư pháp.


Dự thảo Luật cũng đề xuất cải tiến sổ hộ tịch và lập sổ hộ tịch, mã số cá nhân. Lấy sổ ghi đăng ký khai sinh làm sổ bộ hộ tịch. Các việc hộ tịch sau khi được đăng ký vào các sổ dành riêng cho từng loại việc thì phải ghi chú vào sổ bộ hộ tịch. Nơi quản lý hộ tịch gốc của mỗi cá nhân là nơi đăng ký khai sinh của người đó. Tuy nhiên, cá nhân có quyền đăng ký các việc hộ tịch theo nơi cư trú, không nhất thiết phải đăng ký tại nơi đăng ký khai sinh. Sau khi đăng ký, hộ tịch viên nơi đăng ký phải gửi thông báo cho nơi quản lý hộ tịch gốc (nơi đăng ký khai sinh) để ghi chú vào sổ bộ hộ tịch. Quy định này sẽ giúp người dân “nhàn” hơn rất nhiều, đồng thời tăng trách nhiệm của cán bộ hộ tịch.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phân tích, xây dựng Luật Hộ tịch là sự thay đổi về tư duy, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ để nhân dân thực hiện được các quyền của mình như trong Hiến pháp mới. Việc xác định mỗi công dân có một số định danh cũng phải giải quyết những vấn đề liên quan rất phức tạp như thách thức giữa việc khai thác thông tin và yêu cầu bảo vệ quyền bí mật riêng tư, quyền nhân thân của mỗi người.

Đồng thời với việc cải tiến, tăng cường cơ sở dữ liệu hộ tịch bằng giấy thì dự thảo Luật Hộ tịch cũng quy định rõ việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung tại 4 cấp: cấp toàn quốc (Bộ Tư pháp), cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.


Dự thảo Luật Hộ tịch lần này cũng đề xuất quy định mỗi cá nhân có một mã số cá nhân khi đăng ký. Mã số cá nhân có ý nghĩa để tra cứu dữ liệu hộ tịch của cá nhân, không có ý nghĩa thay thế cho danh tính của cá nhân. Bộ Công an có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và cấp mã số cá nhân.


Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay mỗi công dân có thể sở hữu đến 20 loại giấy tờ như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân… Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch…). “Để khắc phục những hạn chế này và nhất là trong điều kiện phát triển của công nghệ kỹ thuật số hóa, tôi cho rằng việc quy định số định danh cá nhân là hết sức cần thiết. Số định danh này chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào sổ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Khi chúng ta xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có số định danh sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước”, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh.


PV

Sẽ có quy định hộ tịch cho trẻ sinh từ tinh trùng người mất
Sẽ có quy định hộ tịch cho trẻ sinh từ tinh trùng người mất

Ngành Tư pháp thực sự bối rối trước việc tiến hành thủ tục về hộ tịch cho hai bé trai sinh đôi (tại Hà Nội) là kết quả của ca thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng của người bố đã mất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN