Tạo điều kiện cho truyền thông quốc tế trong vụ tìm máy bay

Đã 4 ngày qua, các lực lượng chức năng của trung ương và địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH 370 của Malaysia Airlines mất tích.

Việc chiếc máy bay của Malaysia Airlines mất tích đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối đang được các hãng thông tấn, cơ quan báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm.

Trong 4 ngày qua, các đoàn phóng viên quốc tế đến tác nghiệp tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) ngày càng đông hơn. Tại Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đặt tại Đài kiểm soát không lưu Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, hàng ngày có khoảng 50 phóng viên quốc tế túc trực, đón đợi những thông tin mới và các vấn đề có liên quan đến chiếc máy bay mất tích, từ các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm thông báo về.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết: Chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên quốc tế ra hiện trường tác nghiệp.

Phóng viên Cheang Ka Chi, Đài truyền thanh Macau nói: Đến Phú Quốc tác nghiệp, tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của Việt Nam dù điều kiện tác nghiệp nhiều khó khăn. Các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam rất quyết tâm, không ngại khó khăn, vất vả. Cơ quan chức năng Việt Nam cung cấp khá đầy đủ thông tin cho báo chí về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay mất tích.

Ngoài việc túc trực tại Sở chỉ huy tiền phương, tham dự đầy đủ các cuộc họp báo để nắm bắt thông tin, nhiều phóng viên quốc tế được tạo điều kiện đi cùng lực lượng chức năng trực tiếp ra tác nghiệp tại hiện trường khu vực nghi vấn chiếc máy bay rơi.

Các phóng viên phỏng vấn cơ trưởng, Thượng tá Vũ Đức Long sau khi hoàn thành chuyến bay tìm kiếm trở về. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Theo Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao, đến nay đơn vị đã nhận được yêu cầu hỗ trợ của hơn 90 phóng viên nước ngoài đến từ hơn 25 hãng, cơ quan báo chí của Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Anh, Mỹ… Bên cạnh đó, phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài thường trú tại Việt Nam như Tân Hoa xã (Trung Quốc), Kyodo (Nhật Bản), Reuters (Anh), AFP (Pháp), AP (Mỹ)… cũng đề nghị được đến các khu vực đang tìm kiếm máy bay MH370 để đưa tin.

Trong bối cảnh tính chất sự việc phức tạp, số lượng phóng viên đa dạng và muốn vào Việt Nam nhanh nhất để đến địa điểm tìm kiếm, ngay từ những ngày đầu xảy ra sự việc (8 - 9/3), lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ xử lý các vấn đề liên quan, trong đó có việc giải quyết yêu cầu của phóng viên nước ngoài xin vào Việt Nam đưa tin. Trên tinh thần đó, Vụ Thông tin Báo chí khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc và Malaysia, để hỗ trợ cấp thị thực cho phóng viên vào Việt Nam đưa tin.

Vụ Thông tin Báo chí cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang… tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên nước ngoài tiếp cận các khu vực nghi máy bay mất tích, tác nghiệp theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Vụ cũng cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho phóng viên nước ngoài, thu xếp để phóng viên phỏng vấn đúng người, đúng đầu mối.

Trong thời gian tới, có thể có thêm phóng viên nước ngoài vào Việt Nam để tác nghiệp liên quan đến vụ việc này. Bộ Ngoại giao nói chung và Vụ Thông tin Báo chí nói riêng đã thiết lập nhóm ứng trực 24/24h, cử cán bộ đến các địa điểm “nóng” hiện nay, phối hợp chặt chẽ trong và ngoài Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí, trong đó có các hãng truyền thông nước ngoài đưa tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về tiến trình tìm kiếm máy bay mất tích và nỗ lực của các lực lượng chức năng Việt Nam; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và khu vực.

Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Phòng không không quân Việt Nam cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã khẩn trương chỉ đạo Bộ Quốc phòng triển khai đến Quân chủng Phòng không không quân. Đợt tìm kiếm cứu nạn này sử dụng lực lượng lớn nhất và quy mô nhất từ trước đến nay, với nhiều chủng loại máy bay, qua đó thể hiện quyết tâm rất cao, thiện chí và hành động nhân đạo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm, về phương pháp tìm kiếm, theo từng giai đoạn khác nhau sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau để có thể tìm kiếm lâu dài, với quyết tâm tìm được chiếc máy bay bị mất tích nếu rơi trong vùng biển thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam.


Trong một nỗ lực khác, tỉnh Kiên Giang cũng đã chuẩn bị kế hoạch tiếp đón thân nhân của những hành khách gặp nạn trên chuyến bay xấu số khi họ đến đảo Phú Quốc; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị sẵn sàng ứng phó khi phát hiện, cứu hộ chiếc máy bay bị nạn. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động ngư dân đang hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường khi nhìn thấy những dấu hiệu bất thường, vật thể lạ thông báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ trên biển.


Huy Hải, Đỗ Quyên

 Malaysia tìm kiếm máy bay trên Biển Andaman
Malaysia tìm kiếm máy bay trên Biển Andaman

Chiến dịch quốc tế tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines đã được mở rộng sang Biển Andaman, cách khu vực tìm kiếm ban đầu hàng trăm km về phía tây bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN