Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội

Nhân dịp Xuân 2017, báo Tin Tức đã ghi nhận ý kiến của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2017, hưởng ứng tinh thần kiến tạo, hành động của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng:
Bảy nhiệm vụ cấp bách để cơ cấu lại nền kinh tế

Bước sang năm 2017, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 05 - NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Các Nghị quyết này đã nêu 7 nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm, đó là: Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản để có thay đổi có tính bước ngoặt trong nâng cao hiệu quả đầu tư công.
 
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng đảm bảo an toàn, bền vững; thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.
 
Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản, triệt để; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.
 
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước một cách minh bạch, thực chất, thận trọng theo cơ chế thị trường; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không thể phục hồi. Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại và giao quyền tự chủ đầy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Tập trung tích tụ ruộng đất, cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng:
Quyết tâm cao trong thu ngân sách
 
Kinh tế nước ta năm 2017 dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 và một số năm tiếp theo. Tuy nhiên Bộ Tài chính vẫn đặt quyết tâm thu NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng (thu NSNN 2016 là 1,094 triệu tỷ đồng - PV). Để phấn đấu đạt chi tiêu này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên vào một số nội dung trọng điểm:
 
Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế,­ cơ chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Hai là, tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, đặc biệt là các luật có hiệu lực từ 1/1/2017. Tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới khi chưa có nguồn đảm bảo; thực hiện chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán được giao; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách.
 
Ba là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.
 
Bốn là, tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh thực hiện lộ trình giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu.
 
Năm là, phối hợp hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng GDP tối thiểu đạt kế hoạch đề ra; thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch đối với các thông tin liên quan đến tài chính - NSNN theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ:
Năm lắng nghe, đổi mới và hành động
Năm 2017, ngành giáo dục tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Bậc học mầm non tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Bậc học phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Giáo dục đại học đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
Năm 2017, ngành giáo dục tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn.
 
Ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020. Đồng thời mở rộng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập.
 
Để triển khai được những nhiệm vụ nói trên, toàn ngành giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Chín nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cụ thể được đặt ra cho thấy ngành giáo dục đã xác định rõ từng mũi nhọn để tạo ra sự đột phá.
 
Giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội. Ngành giáo dục cần sự đồng hành kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội. Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến:
Đổi mới phong cách phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh
Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để hoàn chỉnh hệ thống các luật, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của ngành y tế. Tạo hành lang pháp lý để các đơn vị hoạt động cũng như thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế.
 
Đồng thời, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
 
Cụ thể, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh...; Đổi mới cơ chế tài chính; Đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế; Thực hiện đồng bộ các nội dung trong Quyết định số 2151/QĐ - BYT về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; đặc biệt, tập trung vào các nội dung quan trọng như: Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; có cơ chế theo dõi, kiểm tra các cam kết. Tích cực tập huấn nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ y tế. Triển khai hoạt động nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện, đội tình nguyện tiếp sức vì người bệnh. Đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý, quy định trang phục y tế và tổ chức các phong trào thi đua trong bệnh viện, xây dựng phong cách, văn minh thân thiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất với các biện pháp kiểm soát hiệu quả...
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng:
Ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát
 
Năm 2017, công tác điều hành của Chính phủ sẽ chú trọng các giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016 trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh. Ba chỉ tiêu quan trọng năm 2017 là tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu chi ngân sách.
 
Để thực hiện mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các bộ trong tổ điều hành vĩ mô phải theo sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng, chú ý cơ cấu tín dụng hợp lý, phấn đấu giảm lãi suất, nhất là mặt bằng lãi suất trung - dài hạn. Bộ Tài chính có lộ trình điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý, điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ…
 
Về cải thiện môi trường kinh doanh, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp cận trình độ ASEAN-4. Trong đó, yêu cầu đặt ra là phải rà soát đồng bộ các quy định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bên cạnh 3 đột phá chiến lược, yếu tố đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ cần chú trọng có thể được coi là mũi nhọn.
 
Về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Trong quý 1, các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực trên sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ.
 
Đặc biệt, đối với các nhiệm vụ trên, khâu yếu nhất là tổ chức thực hiện nên các bộ, ngành địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể, thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đề ra.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh:
Sẽ cải cách triệt để

 
Trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, nỗ lực phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cao hơn năm 2016. Đặc biệt coi trọng phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ, không để xảy ra tình trạng “thua ngay trên sân nhà”. Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược để phát triển hệ thống bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập.
 
Tăng cường các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, nhất là đối với những hàng hóa thiết yếu, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan sẽ khẩn trương ban hành hệ thống các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ chú trọng về đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội: xây dựng các nhà máy phát điện trọng điểm, phát triển hệ thống truyền tải, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý vận hành các công trình thủy điện...
 
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy ngành Công Thương; đơn giản hóa thủ tục hành chính với những cải cách triệt để, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong các hoạt động nhập khẩu, lưu thông.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường:
Tháo gỡ 4 nút thắt trong sản xuất nông nghiệp
 
Năm 2017, nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp có thể gay gắt hơn như: Chính sách bảo hộ sản phẩm của các nước sẽ ảnh hưởng tới cả xuất khẩu, nhập khẩu nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường (gió mùa đông bắc có xu hướng lệch đông gây mưa lớn, lũ lụt ở miền Trung, miền Nam); nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi... Do đó, các địa phương quan tâm, lường trước khó khăn để có giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp tích cực, hiệu quả.
 
Năm 2017, lĩnh vực nông nghiệp phải tập trung tháo bằng được 4 nút thắt đối với sản xuất nông nghiệp gồm: Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển 500.000 - 700.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả gói tín dụng 60.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế; đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới...
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Lê Minh Hưng:
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017.
 
Ngân hàng Nhà nước dự kiến, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...
 
Ngân hàng Nhà nước kiến nghị một số vấn đề: Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; trong điều hành vĩ mô hết sức hạn chế trong sử dụng công cụ tiền tệ; triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực tiền tệ, ngăn chặn tin đồn thất thiệt... để ổn định thị trường...
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Lê Vĩnh Tân:
Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy

Các bộ ngành, địa phương cần kiên quyết sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính nhà nước, tập trung rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính phiền hà, không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước...
 
Công tác quản lý cán bộ, các bộ ngành, địa phương cần khắc phục những bất hợp lý như phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm... tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp.
 
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức...

 

Nhóm PV
Công tác thi đua khen thưởng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Công tác thi đua khen thưởng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 20/1, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2016 và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN