Đồng thời nền kinh tế phải kiên định và thực hiện mục tiêu cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Nhìn lại kinh tế 1 năm qua và chặng đường 8 tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những chỉ đạo, điều hành nào để lại cho Bộ trưởng ấn tượng nhất?Năm 2016 là một năm có nhiều ý nghĩa đối với các thành viên Chính phủ mới lần đầu tiên nắm giữ cương vị Bộ trưởng, trong đó có tôi. Mặc dù nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và bối cảnh quốc tế không thuận lợi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp tốt với các cơ quan của Chính phủ, tham mưu cho việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội...
Với cá nhân tôi, điều để lại ấn tượng nhất có lẽ là Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Đối với một Bộ trưởng mới như tôi, việc phải báo cáo, giải trình trước Quốc hội 10 lần trong một kỳ họp là một thách thức không nhỏ. Tôi cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê, đã cùng tôi bảo vệ thành công trước Quốc hội những báo cáo lớn.
Trong đó Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và năm 2017; Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến rất tích cực về 2 Dự thảo luật là Luật Quy hoạch và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.
Năm 2016, với số lượng doanh nghiệp trong nước đăng ký tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tăng ở mức kỷ lục và số dự án của các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam tăng tới 27%. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam. Vậy, theo Bộ trưởng, Việt Nam cần tiếp tục làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh tốt và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp? Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội với mục tiêu là phát triển lực lượng doanh nghiệp mạnh mẽ, xứng đáng là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Thời gian qua, nhờ những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ cũng như của bản thân cộng đồng doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh đã có cải thiện về thứ hạng. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN. Chúng ta vẫn đang đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN, trong khi các nước xếp trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại đang có những cải thiện vượt bậc.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử gia dụng tại công ty LG Electronics Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
Như tôi đã nói, những khó khăn, thách thức của hội nhập phía trước là không nhỏ; bởi mỗi bước tiến bộ của chúng ta vẫn chưa thể sánh được với những bước tiến dài và nhanh của thế giới. Những khuôn khổ pháp lý mới và các giải pháp của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Không còn cách nào khác là chúng ta phải thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, Việt Nam cần thu hẹp nhanh khoảng cách với các nước. Để đạt được điều này, Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược với tốc độ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tận dụng tối đa các nội lực trong quá trình hợp tác mang lại, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội. Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách để trở thành vị trí số 1 trong danh sách điểm đến của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, Việt Nam hoàn toàn là một lựa chọn tốt để đầu tư kinh doanh. Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, với các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương để cùng xác định những cơ hội đầu tư kinh doanh của mình.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng vừa được Quốc hội thông qua. Với vai trò và chức năng của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì để thúc đẩy triển khai kế hoạch này trong thời gian tới? Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; trong đó đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế và giao nhiệm vụ cụ thể đối với Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Cơ cấu lại nền kinh tế là một nhiệm vụ lớn, quan trọng đòi hỏi phải có thời gian và sự chuẩn bị thực sự cụ thể, kỹ lưỡng, có vậy mới thực hiện thành công. Bên cạnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là một kế hoạch khung, để thực hiện phải cụ thể hóa bằng các đề án gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch. Căn cứ nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết thì năm 2017 được coi là năm “mở đường”, đường được mở tốt thì chúng ta mới có thể đi nhanh được.
Nhiệm vụ của năm 2017 là khá nhiều, từ việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành đến xây dựng đề án cụ thể, thiết lập cơ chế thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá và tuyên truyền... Tất cả các nhiệm vụ này đều rất quan trọng và đều phải được tập trung thực hiện một cách đồng bộ.