Khai mạc Hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Lê Hải Bình nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng nhưng hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, xu thế chủ đạo. Để đạt được lợi ích quốc gia, nâng cao tầm ảnh hưởng, vị thế, uy tín trên trường quốc tế, việc tăng cường phát huy sức mạnh mềm thông qua hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị - xã hội và chính sách đối ngoại đang được nhiều quốc gia theo đuổi.
Theo ông Lê Hải Bình, khái niệm "sức mạnh mềm" chính thức được đưa ra vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Sức mạnh mềm là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn và là một phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, sức mạnh mềm không phải là một thực thể tĩnh mà là một quá trình động, trong đó, các nhân tố tạo nên sức mạnh mềm, các chất xúc tác để phát huy sức mạnh mềm cũng có sự thay đổi, bổ sung, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra vô cùng nhanh và mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều phương thức truyền thông mới như truyền thông internet, mạng xã hội, sức mạnh mềm càng có thêm nhiều không gian, môi trường và công cụ để triển khai, lan tỏa.
Các phương tiện truyền thông hiện đại trở thành những công cụ có sức mạnh to lớn, với khả năng truyền tải thông tin gần như tức thời, tính tương tác cao, phạm vi lan tỏa rộng, mức độ ảnh hưởng sâu sắc. Trong xu thế đó, việc chính phủ các nước đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội trong quản trị quốc gia và toàn cầu đang trở thành một tất yếu khách quan. Công tác đối ngoại cũng không ngoại lệ. Đây là nền tảng cho một số khái niệm mới như ngoại giao số (Digital Diplomacy), ngoại giao mạng xã hội (Social Media Diplomacy), ngoại giao kết nối (Network Diplomacy) ra đời.
Australia được biết đến là một quốc gia tầm trung truyền thống điển hình trên thế giới. Ngoài chiến lược ngoại giao đúng đắn, phù hợp với đặc thù của đất nước, sức mạnh mềm của Australia còn không ngừng được củng cố thông qua nền tảng văn hóa, nền kinh tế phát triển có sức cạnh tranh và nền giáo dục tiến bộ. Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, Chính phủ Australia đã kịp thời nắm bắt và có những chính sách đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng, các chính sách, chiến lược, cách triển khai hiệu quả đó sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu để bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam tham khảo.
Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn "Sự trỗi dậy của sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số", các báo cáo tham luận về chính sách quốc gia của Việt Nam và Australia về tăng cường sức mạnh mềm, xây dựng thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới; sáng kiến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quảng bá hình ảnh Việt Nam trên không gian số và sáng kiến triển khai Chiến lược ngoại giao công chúng của Australia.
Tại Hội thảo, các báo cáo viên và đại biểu trao đổi, thảo luận về các chủ đề: vai trò của truyền thông quốc tế trong việc tăng cường sức mạnh mềm quốc gia; ngoại giao số hướng đến xây dựng một thế giới bền vững; hiệu quả và sự đổi mới phương thức triển khai của chính sách ngoại giao công chúng; ưu điểm và nhược điểm của các phương tiện truyền thông hiện đại trong môi trường xung đột; hiệu quả và tác động của chính sách ngoại giao số đối với các quốc gia; vấn đề đạo đức trong kỷ nguyên ngoại giao số. Đây là những vấn đề có tính thời sự, không chỉ trong quan hệ quốc tế mà còn đối với sự phát triển của từng quốc gia trong giai đoạn hiện nay.