Bản sắc 'ngoại giao cây tre'- Bài 2: Phát huy 'sức mạnh mềm' quốc gia

Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu chọn tham gia nhiều tổ chức quốc tế và đang đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ 2023 - 2027... Những hoạt động sôi nổi của Việt Nam tại các phiên họp của các cơ quan thuộc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã thể hiện đầy đủ vị thế, vai trò và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động của Việt Nam trong ngoại giao song phương và đa phương cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng là minh chứng sống động cho thành tựu của "ngoại giao cây tre".

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội công binh số 2 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (2023). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, trường phái "ngoại giao cây tre" đã mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thành công trong việc duy trì mối quan hệ thực tế với các cường quốc trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải - nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia) nêu rõ thành tựu của trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam” cho đến nay chính là góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và thuận lợi để phục vụ phát triển đất nước; đồng thời có đóng góp tích cực và trách nhiệm vào đảm bảo an ninh, hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo cho Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đây cũng là ý kiến của nhà báo kỳ cựu người Indonesia, ông Mohammah Anthony khi đánh giá về "ngoại giao cây tre" của Việt Nam, theo đó lợi ích và mục tiêu cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam là giữ vững hòa bình để phát triển, có nghĩa là tạo lập môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho các nỗ lực đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia. 

Đồng quan điểm này, báo “The India Times” của Ấn Độ cho rằng trường phái “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam thành công trong việc duy trì vị thế độc lập và cân bằng với các nước lớn, qua đó tối đa hoá lợi ích quốc gia.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng… Mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở và ngày càng sâu sắc giúp Việt Nam củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, mở ra nhiều thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Với việc triển khai "ngoại giao cây tre", Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là đối tác đáng tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực. Nhà báo Ngụy Vi, Trưởng Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho rằng công tác đối ngoại góp phần quan trọng làm thay đổi vị thế quốc tế, từng bước nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS)  nhấn mạnh Việt Nam là "ngôi sao" đang lên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng ngoại giao lớn trong khu vực. 

Trong khi đó, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González khẳng định Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển. Việt Nam hiện là một chủ thể quan trọng trên chính trường quốc tế, hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp đáng chú ý tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, là đối tác tin cậy và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực. Theo ông, kết quả nêu trên là nhờ Việt Nam đã tận dụng một cách thông minh, khéo léo những yếu tố tích cực do toàn cầu hóa mang lại mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại của mình, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực.

Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan đề cao việc Việt Nam có thể xử lý khéo léo các tình huống phát sinh và đóng góp tích cực trong các vấn đề quốc tế với những những động thái hướng tới hòa bình. Ông nhắc lại trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vừa qua, Việt Nam đã chủ trì hơn 30 phiên họp thảo luận về các vấn đề an ninh ở Trung Đông, châu Phi..., rà soát và có phương hướng phù hợp cho hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại một loạt điểm nóng.

Đáng chú ý, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch HĐBA LHQ đã chủ trì thành công hai cuộc họp quan trọng về việc tuân thủ Hiến chương LHQ và hợp tác giữa LHQ/HĐBA LHQ với ASEAN. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khái niệm về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Những bước đi này đã nâng cao đáng kể tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhà báo kỳ cựu Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá "ngoại giao cây tre" không chỉ là cách xử lý và ứng phó trước sự thay đổi mà còn là cách thức thúc đẩy văn hóa, bản sắc và quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác chiến lược và toàn diện. Đây được coi là sự kết hợp tổng hòa các yếu tố sức mạnh quốc gia, bao gồm bản sắc, chính trị, kinh tế, cùng với phương châm ngoại giao lấy quốc gia, dân tộc làm trung tâm để thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trong bài viết đăng trên báo Iran Daily, một tờ báo lớn và uy tín của Chính phủ Iran, Tiến sĩ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran) đã khẳng định "Việt Nam sử dụng bản sắc dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu, tiến bộ và phát triển bền vững, tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực và ngày càng tham gia tích cực trong các mối quan hệ toàn cầu". Có thể ví sách lược ngoại giao theo trường phái "ngoại giao cây tre" là một trong những nguồn "sức mạnh mềm" quốc gia, và việc phát huy có hiệu quả lợi thế của nguồn "sức mạnh mềm" này tạo cơ hội để Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Nguyễn Hà (TTXVN)
Bản sắc 'ngoại giao cây tre' - Bài 1: Kim chỉ nam dẫn đường
Bản sắc 'ngoại giao cây tre' - Bài 1: Kim chỉ nam dẫn đường

Với nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước, chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dựa trên nền móng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp phát triển để phù hợp với điều kiện trong nước và tình hình thế giới trong thời đại mới. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo và đặc sắc - “ngoại giao cây tre Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN