Đoàn đi còn mang theo số lượng lớn các trang thiết bị, y tế, thuốc men, vật tư và hóa chất phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Dẫn đầu Đoàn công tác, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, vấn đề cần quan tâm nhất của Thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm này là phải cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong. Đoàn sẽ cố gắng thiết kế một trung tâm có công năng tối ưu nhất, vừa đảm bảo phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng, vừa đảm bảo các biện pháp phòng dịch để không xảy ra lây nhiễm chéo. Dự kiến, trong vài ngày tới trung tâm này sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã họp bàn kỹ lưỡng và thống nhất về khâu thiết kế Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19, lên các phương án nhằm đảm bảo cho trung tâm hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Trước đó, ngày 31/7, Đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế đã vào Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 14 (số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú).
Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế thành lập có quy mô 500 giường bệnh. Đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và sử dụng chung tài khoản của Bệnh viện Trung ương Huế để triển khai các hoạt động.
Trung tâm này là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực được Bộ Y tế phân công.
* Ngày 2/8, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tổ chức tiễn Đoàn công tác gồm 30 cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.
Đoàn công tác gồm 30 viên chức, trong đó có 10 bác sỹ, 2 kỹ thuật viên và 18 điều dưỡng đang công tác tại nhiều đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình.
Trước đó, các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định về chuyên môn, quy trình kỹ thuật trong phòng, chống dịch COVID-19 cho đoàn công tác. Do vậy, đoàn công tác có thể thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các khâu: điều trị, dự phòng và lấy mẫu.
Tiễn đoàn lên đường thực hiện nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn biểu dương tinh thần tình nguyện, không quản ngại khó khăn, vất vả của các thành viên. Ông Tống Quang Thìn mong muốn các thành viên trong đoàn phát huy tinh thần đoàn kết, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để bắt tay ngay vào công việc khi đặt chân tới Bình Dương; đảm bảo an toàn, sức khỏe, hạn chế tối đa lây nhiễm đối với cán bộ, viên chức của đoàn.
Ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, Đoàn công tác sẽ làm việc tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Bình Dương với quy mô 3.000 giường bệnh từ ngày 3/8 đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các thành viên trong đoàn sẽ thực hiện cách ly theo quy định. Hiện, các thành viên đều đã đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 theo quy định.
Dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh đã tới chia sẻ, động viên các thành viên trong đoàn.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh đã thành lập đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm 42 thành viên.