Từ thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Trần Thị Bích Nga, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế, xuất phát từ hệ thống chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu chưa được hoàn chỉnh và thiếu cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập.
Cùng với đó là việc thiếu các thiết chế quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguồn lực ứng phó còn hạn chế, phân tán từ nhiều nguồn, cơ chế phân bổ vốn còn nhiều bất cập; chưa có cơ chế, thể chế tài chính với tầm chiến lược dài hạn để đón đầu, thu hút nguồn lực tài chính và hỗ trợ công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu... nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong kế hoạch, chương trình lớn.
Dưới góc độ tăng cường năng lực và thể chế chính sách, Tiến sỹ Trần Thị Bích Nga cho rằng: Thành phố cần tăng cường công tác sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn và khả năng quản lý, điều hành các chương trình, dự án nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực có liên quan ở cấp Thành phố; tăng cường quản lý tổng hợp để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc lồng ghép các yếu tố và mục tiêu ứng phó vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu giải pháp liên kết vùng và các lĩnh vực trong triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ chế, chính sách thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các giải pháp ứng phó...
Tiến sỹ Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Sự ra đời của Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặc biệt là Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố mang đến nhiều kỳ vọng cho Thành phố trong việc hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Trong đó, đặc biệt có thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon - một xu thế hiện nay cho lộ trình “Net Zero”.
Từ thực tiễn hiện nay, Tiến sỹ Đào Gia Phúc khuyến nghị, Thành phố nên cân nhắc tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện khung pháp luật tại Việt Nam về thị trường mua bán phát thải, trong đó có việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15; thành lập một cơ quan chuyên trách có vai trò phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành liên quan (Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) trong việc xác định tỷ lệ đóng góp lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải quốc gia, các phương pháp đo đạc, thẩm định và báo cáo cho dự án tín chỉ carbon.
Cơ quan này cũng làm đầu mối hỗ trợ phát triển sáng kiến hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, tìm kiếm, triển khai các dự án khả thi.
Nhìn nhận cơ hội của Thành phố Hồ Chí Minh từ các nghị quyết mới của Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, để có nguồn thu và chủ động cân đối đầu tư phát triển, Thành phố cần thiết lập một phương thức công bằng, minh bạch, bảo đảm nguồn thu bền vững để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách vượt trội.
Nên chăng, Thành phố sẽ thí điểm tiên phong vấn đề này, nếu tốt sẽ là tiền đề khuyến khích các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sao cho chính sách công bằng tới mọi địa phương không phải là một sự “đặc thù” theo kiểu “ưu đãi”.
Nếu tiếp cận từ vấn đề đặc thù để phát triển từ việc được hưởng một số “ưu đãi” - như “đặc quyền, đặc lợi” thì chính sách đó chưa hẳn đã bền vững bởi nó chỉ có thể áp dụng trong khoảng giới hạn thời gian, không gian cụ thể. Vì lẽ đó, cần cân nhắc, xây dựng, thiết lập một cơ chế, chính sách mới, vượt trội công bằng cho Thành Phố Hồ Chí Minh trên cơ sở công bằng và bền vững dài lâu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng cũng cho rằng, với các nội dung, cơ chế mới được đề cập trong Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó góp phần thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của Thành phố, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Thực hiện tốt vấn đề này, sẽ giúp Thành phố phát triển năng động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển của các vùng, địa phương khác trong cả nước.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thực hiện pháp luật kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổng kết những kinh nghiệm tốt, phát hiện những yêu cầu đổi mới chính sách, pháp luật kinh tế; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cũng như những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Tiến sỹ Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật, tất cả các đề xuất, đánh giá, góp ý, đặc biệt là những phát hiện (về các bất cập của pháp luật, những đòi hỏi của thực tiễn yêu cầu đổi mới chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội), những gợi mở sẽ được kết nối với nhau để nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và tìm kiếm những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tầm nhìn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện thời gian tới.