Tôi ước nguyện dù gian khổ thế nào đi chăng nữa cũng phải
đặt chân đến Trường Sa trong cuộc đời làm báo. Tháng 4/2011, ước nguyện
đó đã thành hiện thực khi tôi nhận lệnh đi Trường Sa cùng nhóm phóng
viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam theo Đoàn của Tổng cục Chính
trị đi khảo sát đến 17 điểm đảo. Sức mạnh Trường
Sa rất nhanh đã liên kết nhóm chúng tôi ngay từ khâu chuẩn bị (chỉ trong
vòng 2 ngày). Mọi người thống nhất cả nhóm phải khẳng định tính chuyên
nghiệp, bản lĩnh chính trị, tác phong ứng xử và hình ảnh phóng viên
TTXVN trong 14 ngày hành trình trên biển.
Không chỉ chuẩn bị phương tiện
hành nghề, một số đồ dùng cá nhân, thuốc men, cả nhóm đã góp tiền riêng
mua quà tặng trực tiếp từng gia đình trên đảo Trường Sa lớn và 17 điểm
đảo theo lịch trình với 2 thùng quà (lớn hơn cả đồ nghề và đồ dùng cá
nhân của cả nhóm).
Món quà về giá trị vật chất thật nhỏ bé nhưng có ý
nghĩa thật sâu nặng bởi đã cùng chúng tôi vượt qua những cơn sóng ngầm,
thời tiết biển xấu do thời gian đó, trung tâm áp thấp nhiệt đới đổ bộ
vào trung tâm đảo Trường Sa. Những món quà nhỏ đã được trao tận tay từng
gia đình và các cháu nhỏ, các chiến sĩ trên điểm đảo..., kép gần khoảng
cách đất liền với biển khơi. Chúng tôi từ xa lạ đã trở thành người thân
của người dân và các chiến sĩ.
Suốt hành trình
14 ngày trên biển, 19 nữ trong tổng số 197 thành viên trong Đoàn đều say
sóng lắc lư, không ăn được gì mà chỉ nôn khi tàu rẽ sóng ra khơi. Nhưng
mới nghe tiếng loa thông báo “Toàn tàu chú ý, Toàn tàu chú ý...”, mọi
người đã nhổm ngay dậy và bao giờ trong chuyến xuồng đầu tiên từ tàu
sang đảo cũng là các phóng viên.
Quên cả say sóng, phóng viên TTXVN
đội mũ, mặc áo phao chỉnh tề, khoác túi ni lông bọc đồ nghề đứng ở mạn
tàu để sẵn sàng đợi xuống xuồng ra đảo. Sức hút của đảo chìm, đảo nổi
với các tên như Nhà giàn DK 1, Tiên Lữ, Tốc Tan, Phan Vinh, An Bang...
và nhiệm vụ được giao đã khiến phóng viên TTXVN vụt trở thành người lính
chuyên nghiệp giữa sóng nước biển khơi, để lại ấn tượng tốt đẹp với các
thành viên trong đoàn suốt chuyến hành trình.
Lần
đầu tiên đến với đảo, tôi may mắn được gặp gỡ cháu bé sinh khó đầu tiên
trên đảo Trường Sa lớn cùng cả gia đình cháu, gặp gỡ những bác sĩ đã
chăm sóc và phẫu thuật, đỡ "mẹ tròn con vuông".
Thời điểm đó, tôi cũng
được chứng kiến quân và dân trên đảo Trường Sa lớn tổ chức kỷ niệm 36
năm Ngày giải phóng. Nhóm phóng viên TTXVN đã sớm có những bức ảnh,
tin, bài hết sức ấn tượng và “độc” về ca sinh này, cũng như về Lễ kỷ
niệm 36 năm Giải phóng Trường Sa...
Tháng 6 nắng
đổ lửa, Trường Sa càng trở nên gần gũi và thiêng liêng khi đang neo mình
đầu sóng cả để giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Không nói lời
hẹn trước, nhưng 5 phóng viên TTXVN trong Đoàn công tác lại cùng chung
ước nguyện rằng cả nhóm sẽ được đến với Trường Sa một lần nữa.
Ước ao
đến cháy bỏng một lần nữa được đến với Trường Sa, được chia sẻ, được
thỏa chí... trước sức hút kỳ diệu của các đảo chìm, đảo nổi và trên hết
là của những con người Trường Sa thân yêu./.
Nhật Minh