Người điều hành cuộc hội thảo là ông Andrey Bezrukov, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu chủ quyền công nghệ, Giáo sư Khoa phân tích ứng dụng các vấn đề quốc tế, Học viện Ngoại giao quốc gia Moskva (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, tham gia hội thảo theo hình thức trực tuyến.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, mở đầu cuộc hội thảo, ông Bezrukov nhận định hiện thế giới được phân chia theo sức mạnh về công nghệ và kinh tế, do đó Nga cần phải trở thành một trung tâm công nghệ. Đây là một trong những nhiệm vụ chính sách lớn của Nga trong vòng 20-30 năm tới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Mikhail Kovalchuk, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc gia "Viện Kurchatov" cho biết LB Nga có thế mạnh là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản và là nước rộng nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời đại đã thay đổi, Nga với khả năng khoa hoc kỹ thuật to lớn cần phải tận dụng khả năng này. Ông Kovalchuk nêu ví dụ Mỹ là nước “xuất khẩu trí tuệ” nhưng cũng “nhập khẩu trí tuệ” trên toàn thế giới để tiếp tục duy trì khả năng khoa học kỹ thuật hàng đầu của nước này. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, vaccine đã cho thấy công nghệ quan trọng tới mức nào.
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội các nhà phát triển phần mềm Russoft, ông Valentin Makarov đưa ra quan điểm rằng Nga đang làm chủ các nguyên tắc vật lý mới như công nghệ mật mã học lượng tử, và dựa vào đó có thể đưa ra một hệ sinh thái mới để xuất khẩu, góp phần tăng cường an ninh thông tin cho toàn bộ khu vực Á-Âu. Ông cũng cho rằng Chính phủ Nga cần hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp xích lại gần các trường đại học và viện nghiên cứu hơn, qua đó thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ.
Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục đại học LB Nga, ông Valery Falkov cho biết hệ thống giáo dục đại học của Nga khá hùng hậu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Hiện các trường đại học của Nga cũng đang tích cực thiết lập các phân viện ở nước ngoài. Và như vậy Nga có thể đào tạo kỹ sư công nghệ lành nghề, phục vụ cho cả sự phát triển của Nga và các nước. Tuy nhiên các trường đại học của Nga cần phải thiết lập khả năng cạnh tranh ở tầm thế giới. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy hệ thống đại học Nga cần có những điểu chỉnh để tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, các trường đại học cũng cần hướng tới việc đào tạo kỹ sư làm chủ các công nghệ mới.
Ông Andrey Fursenko, Trợ lý của Tổng thống LB Nga đề xuất rằng LB Nga có thể xuất khẩu các ý tưởng khoa học để đưa vào ứng dụng ở các nước. Hiện Nga còn thiếu các khách hàng đặt hàng về khoa học, công nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia vào tiến trình này. Tuy nhiên, ông cho rằng Nga cần thiết lập mục tiêu chiến lược ở tầm quốc tế về phát triển công nghệ, ví dụ như trong các lĩnh vực vaccine, môi trường, năng lượng, để xuất khẩu tri thức. Nga cũng cần hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của mình về khoa học và giáo dục để dưa vào đó điều chỉnh và phát triển.
Tại hội thảo, trả lời câu hỏi về vai trò của Nga trên thị trường công nghệ thông tin Việt Nam, liệu Nga có thể cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài khác ở Việt Nam hay không, bà Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng hiện con người đang sống trong thế giới mà công nghệ có thể thay đổi tất cả.
Nga và Việt Nam có quan hệ hữu nghị lâu đời. Trong khi Nga sở hữu các nền tảng công nghệ vững chắc thì Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chính vì thế hai nước có thể hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phối hợp thực hiện các dự án lớn.