Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn PV TTXVN. Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân. Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã thực hiện 3 bước ngoặt lớn. Bước ngoặt đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn 1986 - 1990. Khi đó, chúng ta đã chuyển từ chỗ coi khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo sang việc thừa nhận và cho phép kinh tế tư nhân được hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong tiến trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tiếp đến là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999 - 2000. Luật Doanh nghiệp lúc bấy giờ đã đánh dấu sự đột phá về thể chế, tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường, là bước ngoặt thứ hai trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này chính là bước ngoặt thứ ba mang tính lịch sử trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Bước ngoặt này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân, biến khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Cũng chính vì lý do này, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, chúng ta đã từng có Nghị quyết về kinh tế tư nhân, ví dụ như Nghị quyết 10 và rất nhiều chính sách, đạo luật về khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này đã thể hiện 3 tư tưởng rất lớn. Đó là giảm sự phiền hà; tăng cường mức độ bảo vệ đối với khu vực kinh tế tư nhân; khơi thông mọi nguồn lực. Đây là điểm rất mới vì trước đây chúng ta đã nhấn mạnh về việc giảm sự phiền hà nhưng lần này chúng ta còn nhấn mạnh thêm việc tăng cường mức độ bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân; khơi thông mọi nguồn lực để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là lực lượng quan trọng nhất trong việc đóng góp vào mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030; năm 2045 mà chúng ta đã đề ra.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn PV TTXVN. Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW là một bước đột phá trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết định hướng đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất. Kinh tế tư nhân mặc đang chiếm phần lớn trong GDP của Việt Nam. Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh về vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân. Do vậy, Việt Nam cần có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thể sánh vai, cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế khác trên thế giới. Cũng chính vì thế, chúng ta cần phải có cơ chế, thể chế để luật hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này phải phản ánh được, thể chế hoá được những tư duy của Đảng vào trong Luật. Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động khoa học và mới có thể phát triển nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế lớn ngang tầm các tập đoàn kinh tế trên thế giới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, chúng ta cần sớm thể chế hoá Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất với nhiều ưu đãi nhất. Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới có hiện thực hoá được Nghị quyết số 68-NQ/TW, biến khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước vào năm 2030.