Cải cách thể chế phải tạo bước ngoặt để kinh tế tư nhân 'cất cánh'

Nếu thể chế không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra những rào cản tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các loại phí, lệ phí, chi phí không chính thức. TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã trả lời phóng viên báo Tin tức và Dân tộc xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã trả lời phóng viên báo Tin tức và Dân tộc.

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Đề án (Nghị quyết) phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó xây dựng các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách khả thi để thúc đẩy, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Vậy, các giải pháp lần này, theo ông cần phải có yêu cầu gì khác so với trước đây? 

Những năm qua, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đã có Nghị quyết 10, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V), các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... chưa kể các văn bản pháp luật về doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc xuyên lễ trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết về KTTN lần này, ngoài kế thừa những giải pháp đã có trong các Nghị quyết, Đề án trước đây, cần phải có giải pháp mạnh hơn và cần cách làm mới trong thực thi để Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh chóng. 

Cải cách mạnh mẽ thể chế phải bao gồm cả giải pháp trước mắt và lâu dài, ít nhất cần 3 nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng thể chế hiện hành; kiểm soát được chất lượng quy định mới sẽ ban hành; chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước mắt, cấp thiết và trọng tâm trong cải cách thể chế hiện nay là nâng cao chất lượng quy định pháp luật hiện hành. Cần dựa trên tư duy và góc nhìn của doanh nghiệp để xác định các trọng tâm cải cách, có thể tư duy theo các khâu trong quá trình đầu tư kinh doanh: Từ gia nhập thị trường đến quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh (thuế, bán sản phẩm hàng hóa, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp...) và rút lui khỏi thị trường.

Chú thích ảnh
Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đơn cử, cơ quan Thuế và doanh nghiệp đang mất nhiều thời gian để quyết toán thuế; xác định chi phí sản xuất kinh doanh được tính đúng, tính đủ khi tính thuế; giảm thiểu rủi ro và chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Đặc biệt vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cần xác định mục đích thanh tra là thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, không phải “vạch lá tìm sâu”. Cần có cơ chế hiệu quả để kiểm soát được chất lượng quy định mới ban hành, tránh tình trạng: Giấy phép năm nay bãi bỏ, năm sau thực hiện ở ngành khác… Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được rà soát, đánh giá tổng thể về tính hiệu quả, phù hợp, khắc phục bất cập hiện hành. 

Nhiều doanh nghiệp thắc mắc: "Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm" thể hiện trong Hiến pháp, nhưng thực tế chưa được triển khai triệt để; danh mục ngành nghề cấm, kinh doanh có điều kiện còn nhiều; thủ tục hành chính vẫn khó khăn... Ông đánh giá như thế nào vấn đề này và việc cải cách cần minh bạch ra sao, thưa ông?

Thực tiễn cho thấy, những gì mà pháp luật không cấm nhưng "chưa có quy định" đang là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này có thể gây cản trở và rủi ro cho những sáng tạo và đổi mới, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tiễn lập pháp cho thấy nhiều trường hợp, thực tiễn đi trước, pháp luật đi sau. Nếu thấy hoạt động kinh doanh mới rủi ro, mới đưa ra quy định để điều chỉnh hợp lý. Vì vậy, cải cách phải đảm bảo có sáng kiến, sáng tạo trong kinh doanh.

Hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh nhìn ở góc độ nào đó sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh và nuôi dưỡng ý tưởng tốt. Ngược lại, môi trường kinh doanh khó khăn với nhiều giấy phép, thủ tục hành chính đôi khi trở thành công cụ bảo hộ cho doanh nghiệp, hạn chế ý tưởng tốt. Khi các rào cản được bãi bỏ, dòng chảy thương mại thuận lợi, sẽ có nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới được mở ra, thúc đẩy, nuôi dưỡng ý tưởng tốt phát triển.

Cần tạo điều kiện, ưu tiên thời gian để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, thay vì khiến doanh nghiệp mất thời gian xin giấy phép. Thông điệp doanh nghiệp mong muốn nhất hiện nay là thể chế kinh tế phải hiệu quả hơn, tự do hơn, cạnh tranh hơn và giảm thiểu tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động đơn thuần. 

Chú thích ảnh
Robot tự hành trong dây chuyền sản xuất pin. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ). Để làm được điều này, phải thực hiện ngay giải pháp trọng tâm là gì, thưa ông?

Vấn đề ở đây là cách làm. Cần xem xét những thủ tục nào còn cần thiết, không thì bãi bỏ.

Nhưng năm qua, nhiều dự án bị đình trệ vì chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch mâu thuẫn nhau. Cần rà soát toàn bộ hệ thống quy hoạch, xác định lại bản chất, vai trò của quy hoạch trong việc phê duyệt các dự án đầu tư để đơn giản hóa, bỏ bớt những quy hoạch không cần thiết, đảm bảo nguyên tắc dự án đầu tư không thể không triển khai vì chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch mâu thuẫn.Ngoài ra, thay vì rà soát từng điều khoản cụ thể của một văn bản, có thể xem xét phương án nếu văn bản Luật, Nghị định đó không còn cần thiết thì bãi bỏ luôn cả văn bản.

Tư duy là tập trung vào "bãi bỏ" và chủ động bãi bỏ thay vì "sửa đổi" chút ít; bãi bỏ không chỉ giới hạn ở những điều kiện, thủ tục đã được phản ánh bất cập và bãi bỏ theo hướng thay đổi tư duy quản lý.

Quan điểm của ông về việc Việt Nam cần thành lập Cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế để có thể xử lý nhanh những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp từ thể chế và phi thể chế?

Việt Nam cần có cơ chế bền vững cho cải cách thể chế, cần thành lập Cơ quan chuyên trách về cải cách thể chế, có thể gọi là Ủy ban giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế. Cơ quan này phải được tồn tại ít nhất từ 5 - 10 năm, cho tới khi cải cách thể chế trở thành văn hóa làm việc của các bộ, ngành, địa phương và của cán bộ công chức. 

Tại nhiều quốc gia hiện nay đều thành lập Cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế (ROB). Cơ quan này có quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng hoặc nếu không đạt chất lượng phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền. Cơ quan này có các chức năng chính như kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; nâng cao chất lượng quy định một cách có hệ thống; đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm trình Bộ Chính trị Đề án phát triển kinh tế tư nhân đặt trong tổng thể 'bộ tứ chiến lược'
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm trình Bộ Chính trị Đề án phát triển kinh tế tư nhân đặt trong tổng thể 'bộ tứ chiến lược'

Chiều 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để đóng góp, hoàn thiện thêm một bước Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN