Liên quan đến vụ việc này, trước Tết Nguyên đán 2017, Công ty cổ phần tập đoàn Phương Bắc (đơn vị được giao phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà) đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội đề xuất dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 với lý do hơn 3 tháng qua đơn vị tư vấn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ khả thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tòa nhà.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo quận Ba Đình ngày 14/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp điển hình mà cả nước biết đến và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ. Tuy nhiên, nếu xử lý công trình vội vã làm nảy sinh vấn đề khác mất an toàn thì rất phức tạp, do vậy các cơ quan chức năng cần thường xuyên bám sát địa bàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Sở Xây dựng cùng với quận phải có giải pháp thiết kế an toàn, tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng.
Công nhân đơn vị thi công phá dỡ bê tông giai đoạn 1 (tầng 19) tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Theo Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết, quận đã hoàn thành giai đoạn 1 việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, đảm bảo thực hiện nghiêm túc và tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố. Cụ thể, đến ngày 31/10/2016, quận đã phá dỡ xong sàn tầng 19, toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột.
Lý giải vì sao đơn vị tư vấn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2, ông Đỗ Viết Bình cho biết, mặc dù quận đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình để đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ giai đoạn 2, song chủ đầu tư vẫn cố tình không thực hiện.
Thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ chủ trì cùng với quận tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ hoàn công để hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ báo cáo Bộ Xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư cố tình không cung cấp hồ sơ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xử lý vi phạm.
Theo quan điểm của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 cũng rất khó khăn. Đặc biệt, việc phá dỡ phần giật cấp sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Tuy nhiên, với trình độ và công nghệ hiện nay, nếu thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà.
Các chuyên gia đề nghị, để có cơ sở đưa ra quyết định đúng đắn, các cơ quan chức năng của Hà Nội và Bộ Xây dựng cần sớm vào cuộc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học một cách xác đáng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và xử lý nghiêm sai phạm, tránh tạo tiền lệ xấu trong công tác quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.